CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:18

Ngay trong một Bộ - Bộ trưởng “nóng” nhưng có Cục, Vụ “nguội”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay 22/5

 

An sinh xã hội nhiều điểm khởi sắc, nổi bật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, thảo luận Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. 

Năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Về kinh tế xã hội sau nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới.

Nhìn chung các ý kiến đều nhấn mạnh báo cáo của Chính phủ cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, bội chi ngân sách mức thấp khoảng 3,5% so với GDP, thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối 61.5 tỷ USD, thị trường chứng khoán khởi sắc... Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi phát triển toàn diện trên 3 lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp và dịch vụ".

Nhấn mạnh báo cáo của Chính phủ cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) nêu rõ: “Nhất là 3 chỉ số về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng, đây là tín hiệu đáng mừng... Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành”.

Các đại biểu thảo luận tại tổ đánh giá cao an sinh xã hội vừa qua được thực hiện tốt, nhiều dấu ấn nổi bật

 

“Đúng như các đồng chí nói, cả 3 khu vực động lực tăng trưởng tăng tương đối đều. Nông nghiệp cũng rõ nét, nếu bằng giờ năm ngoái “liêu xiêu” vì “giải cứu” nông nghiệp thì năm nay tương đối ổn định. Công nghiệp, đặc biệt công nghiệp nặng có bước tiến bộ rõ rệt. Rồi du lịch cũng được mùa. Mạnh dạn bỏ visa nhiều nước. Đây cũng chỉ là một giải pháp thôi, mà bản thân là chất lượng tăng trưởng của dịch vụ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm. 

Liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, lao động việc làm… các đại biểu tập trung nêu nhiều điểm khởi sắc, nổi bật. Theo các đại biểu, lĩnh vực an sinh xã hội năm qua đã làm rất tốt.

“An sinh xã hội vừa rồi làm rất tốt. Năm 2017 với việc giải quyết cho 1,6 triệu việc làm mới, trong đó đưa đi xuất khẩu lao động vượt con số trên 130 nghìn, như vậy là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt chỉ tiêu (kế hoạch đề ra đầu năm là 105 nghìn người). Đặc biệt, lao động Việt Nam đang có xu hướng chuyển dần tỷ trọng vào các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia v.v…”, đại biểu đoàn Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Cũng theo ông Lợi, với  khoảng 70% học sinh trường nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt trên 90%; một số ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%...

Bày tỏ sự đồng thuận, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ tịch UBCVĐXH (đoàn Bến Tre) đánh giá, lĩnh vực đào tạo nghề có cố gắng rất nhiều. Để đạt được kết quả này theo ông, “chuyển biến rõ rệt khi chuyển giao quản lý Nhà nước về Bộ LĐ-TB&XH- từng bước tiếp cận thị trường, gắn được đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Đào tạo nghề đã bắt đầu kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp, giúp cho đầu ra được tốt hơn, người học nghề ra trường có việc làm ngay”.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng chuyển dịch của lao động đã thấy rõ tuy chưa mạnh. Ông Nhưỡng cho rằng, đây là sự cố gắng lớn, đạt con số hơn 500 nghìn LĐ có việc làm.

Ngay trong một Bộ - Bộ trưởng “nóng” nhưng có Cục, Vụ “nguội”

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cũng nhấn mạnh, Chính phủ và Thủ tướng thể hiện quyết liệt trong điều hành, Thủ tướng có những Tổ công tác để đôn đốc kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ của các bộ ngành và công vụ đã có chấn chỉnh tạo sự chuyển biến. Tuy nhiên, ĐB này nhận định “Chính phủ nóng, dân nóng, bộ ngành địa phương lại lạnh”.

 

Đại biểu Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội thì cho rằng vấn đề “nóng”- “lạnh” thì có chỗ có nơi, còn đòi hỏi vai trò tham mưu cũng như sự quyết liệt của các bộ ngành như thế nào để đáp ứng sự điều hành của Chính phủ và nguyện vọng của người dân thì các bộ ngành phải cố gắng, địa phương phải phấn đấu.

“Chính phủ điều hành nên biết nơi nào “nóng”, nơi nào “lạnh” để có giải pháp, thậm chí là phải “trị”” – ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, nói “trên nóng dưới lạnh” thì ngay trong một Bộ cũng có tình trạng đó, Bộ trưởng “nóng” nhưng có cục, vụ “nguội”- Bộ trưởng thẳng thắn.

“Như Bộ tôi khi quán triệt chủ trương về cắt giảm thủ tục hành chính thì có người nói “Bộ mình là bộ an sinh có gì mà cắt”. Nhưng sau khi làm việc với từng cục, vụ thì cắt bỏ hơn 65% điều kiện kinh doanh, có đơn vị thủ tục cắt giảm, tinh gọn đến 78%, bình quân là 58%”.

“Câu chuyện đó để thấy ngay trong một Bộ, trong 1 đơn vị cũng có đơn vị “nóng sùng sục” nhưng có đơn vị rất thờ ơ. Như Thủ tướng nói nhiều bộ ngành rất quyết tâm, nhưng có những Bộ, ngành vẫn đủng đỉnh. Ở địa phương thì tôi hình dung cũng thế thôi” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. 

Đồng quan điểm với các đại biểu khác, Bộ trưởng cho biết, An sinh xã hội năm qua đã làm rất tốt. Một năm với 16 cơn bão lũ, sạt lở… chưa bao giờ ngành phải lo, phải trình rất sớm với Chính phủ cấp gạo, hỗ trợ người dân lên đến 36 ngàn tấn gạo riêng dịp tết. Dịp cuối năm hỗ trợ lên đến 19 nghìn tấn gạo trong chỉ có vẻn vẹn 1 tháng. “Mừng là tinh thần tương thân tương ái, những nơi bão lũ chủ động vươn lên rất nhanh. Các địa phương nỗ lực rất cao”, Bộ trưởng phát biểu.

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng đề cập là Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ trưởng cho biết, qua tiếp xúc với công nhân, đối thoại trực tiếp với công nhân có thể thấy, với lực lượng lên đến 11 triệu công nhân, chúng ta phải tổ chức cho công nhân tiếp cận 4.0 thế nào. “Do đó, phải quan tâm đến lực lượng này, vì nếu không quan tâm đến lực lượng này trước làn sóng Cách mạng công nghiêp 4.0 đang tới gần, thì đối mặt với nguy cơ tụt hậu, mất việc làm, và không cải thiện được năng suất lao động là điều khó tránh khỏi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Nguyễn Thanh - Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh