Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An: 45 năm hình thành và phát triển
- Dược liệu
- 13:56 - 22/07/2021
Được sự quan tâm của Bộ, Trung tâm đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, có nhiều trang thiết bị hiện đại, hệ thống khuôn viên, cây xanh thoáng mát, môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp rất phù hợp với hoạt động phục hồi chức năng (PHCN) và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người khuyết tật và bệnh nhân có nhu cầu.
Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất thu về một mối. Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam, để tri ân và ghi nhớ công ơn những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành Nghị định 60/CP ngày 22/4/1976 của Chính phủ về việc thành lập các cơ sở nuôi dưỡng bố mẹ và con liệt sĩ khuyết tật không người nương tựa.
Ngày 27/7/1976, Bộ Thương binh Xã hội đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TBXH thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng lao động con liệt sĩ.
Ngày 28/01/1985, Bộ có Quyết định số 41/QĐ-TBXH cho phép Trung tâm thành lập các phòng công tác và đổi tên thành Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Hà Nội.
Năm 1995 theo Quyết định số 1176/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An.
Tiếp đó, đến ngày 08/01/2016, theo Quyết định số 19/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Trung tâm chính thức được đổi tên thành Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An ngày nay.
Những ngày đầu thành lập, với tổ chức bộ máy gồm 03 tổ (Y tế và PHCN lao động, tổ Hành chính quản trị và tổ Chính trị), đơn vị tiếp quản cơ sở nuôi dưỡng thương binh trong thời kỳ chống Mỹ của tỉnh Hà Tây cũ, nằm trên địa bàn xã Thụy An, huyện Ba Vì để cải tạo thành nơi có đủ điều kiện tiếp nhận trẻ em khuyết tật là con liệt sỹ chỉ với vài dãy nhà cấp 4 đơn sơ lợp ngói, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn. Hoạt động chính của Trung tâm lúc này là chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nhân lực khi ấy chỉ có 15 người, chỉ có 01 bác sĩ mới ra trường, một số nhân viên được chuyển từ Trại thương binh 3 sang, còn hầu hết là bộ đội và thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ chuyển ngành về để phục vụ trẻ em khuyết tật là con liệt sỹ.
Trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đến nay Trung tâm đã xây dựng được mô hình phục hồi chức năng (PHCN) toàn diện, khép kín cả về thể chất và tinh thần kết hợp với công tác xã hội.
Cơ cấu tổ chức bao gồm 10 khoa, phòng: Phòng Khám chuyên khoa PHCN; Khoa Dược - Cận lâm sàng; Khoa Phục hồi chức năng; Khoa Giáo dục đặc biệt; Khoa Can thiệp trẻ tự kỷ; Phòng Hướng nghiệp dạy nghề; Phòng Nghiệp cụ Công tác xã hội; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Tài chính - Kế toán.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là 90 người, có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao như: Cao cấp LLCT, Trung cấp LLCT, Bác sỹ chuyên khoa II, chuyên khoa I, Thạc sỹ, Bác sỹ, Cử nhân, Kỹ thuật viên… và luôn tận tâm, yêu nghề, đồng cảm, chia sẻ, tạo được niềm tin đối với người khuyết tật, bệnh nhân.
Trung tâm đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế về tập huấn, truyền đạt kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng những kỹ thuật hiện đại vào công tác điều trị, PHCN cho người khuyết tật.
Đến nay, tổng số người khuyết tật được tư vấn và PHCN toàn diện là 2755 người. Tổng số người khuyết tật đã được PHCN ổn định trở về địa phương và gia đình là trên 2500 người.
Số người khuyết tật được PHCN tại Trung tâm làm việc trong các cơ quan của Nhà nước: 279 người, có 05 trường hợp đi lao động hợp tác nước ngoài, 35 học sinh thi đỗ và tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp…, một số trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan đơn vị và đạt thành tích cao trong các cuộc thi văn hóa, thể thao.
Có 526 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình; 888 người khuyết tật được trang cấp dụng cụ chỉnh hình. Tổ chức khám và điều trị nội trú cho trên 18.000 trường hợp; khám và điều trị ngoại trú cho trên 12.000 trường hợp; cấp cứu cho trên 7.000 trường hợp…
Năm 2021, Trung tâm đã có kế hoạch tổ chức Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và người khuyết tật tại Trung tâm cũng như việc chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh nên đơn vị đã không thể tổ chức lễ kỷ niệm.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Trung tâm (27/7/1976 - 27/7/2021), tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Trung tâm gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc tới: Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Các đồng chí lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ và các bộ, ngành liên quan; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì, xã Thụy An; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế…
Tập thể lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Trung tâm tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đơn vị để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, xứng đáng là địa chỉ tin cậy đối với bệnh nhân và người khuyết tật.
Sự nỗ lực không ngừng của Trung tâm qua các thời kỳ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như:
Huân chương Chiến công hạng Ba (1983); Huân chương lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất (1991, 1996, 2006); Huân chương Độc lập hạng Ba (2011);
08 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 02 lần được nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ; 18 lần được Bộ LĐ-TB&XH tặng Cờ thi đua xuất sắc; 06 lần Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen;
Năm 2007 đạt danh hiệu cơ quan văn hóa; năm 2016 đạt danh hiệu cơ quan văn hóa giai đoạn 2011 - 2016; Chi bộ Đảng 25 năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị trong sạch vững mạnh…
Về thành tích của cá nhân: 02 đồng chí được tặng Huân chương Lao động hạng 3; 02 bác sỹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; 08 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 110 lượt đồng chí được Bộ trưởng tặng Bằng khen; 51 đồng chí được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp LĐ-TB&XH…