THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:36

Trung tâm dạy nghề biến thành nhà nghỉ, quán karaoke?

 

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho thuê mặt bằng để làm nhà nghỉ, kinh doanh karaoke, cà phê...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo LĐ&XH, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đồng ý để Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Trung tâm) ký hợp đồng với Công ty TNHH thương mại tổng hợp Tân Thuận Phát (Cty Tân Thuận Phát) để làm nhà nghỉ, kinh doanh cà phê và karaoke. Tại Thông báo số 232 ngày 16/11/2014 của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa có nội dung: “Đồng ý cho Trung tâm được sử dụng, khai thác toàn bộ tài sản có của Trung tâm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của trung tâm. Để phát huy hết công năng sử dụng, trong lúc nhàn rỗi cho phép Trung tâm được mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác để khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của cán bộ, hội viên nông dân...”.

Theo thông báo của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm đã ký hợp động với Cty Tân Thuận Phát. Cụ thể, Hợp đồng số 25/HĐLK liên kết phục vụ ăn uống, giải khát, nhà nghỉ cho cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Thanh Hóa. Hợp đồng chung chung, không có bất cứ một khoản tiền hàng tháng hay hàng năm cụ thể nào cho bên “đối tác” thực hiện.  Nội dung hợp đồng thể hiện, hai bên liên kết thời gian là 5 năm, kể từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019. Bên (A) là Trung tâm có vốn góp toàn bộ giá trị của số tài sản của bên A ghi trong hợp đồng. Bên (B)- Cty Tân Thuận Phát có trách nhiệm đầu tư vốn để mua sắm, bổ sung thêm các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết để phục vụ các hoạt động dịch vụ ghi trong hợp đồng và đầu tư thêm vốn lưu động. Hàng năm căn cứ vào kết quả hoạt động dịch vụ, hai bên cùng nhau bàn bạc phân chia lợi nhuận phù hợp với vốn góp và công sức mỗi bên.

Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH, ông Lê Văn Bá, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện Trung tâm có 4 người (theo biên chế là 15). Hợp đồng liên kết này căn cứ vào Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ban hành ngày 25/9/1989; căn cứ vào Thông báo kết luận số 232-TB/HNDT ngày 16/11/2014 của Thường trực Hội nông dân tỉnh”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ban hành ngày 25/9/1989 đã hết hiệu lực từ lâu, được thay thế bằng Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ông Bùi Xuân Thiên, người phát ngôn của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, việc cho thuê, liên kết của Trung tâm là sai. Nhưng để không lãng phí, Hội có đồng ý để Trung tâm cho thuê mặt bằng, tránh lãnh phí.

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa có được phép đem tài sản Nhà nước để góp vốn “làm ăn” hay không, số tiền cụ thể là bao nhiêu, ai hưởng?. Nông dân Thanh Hóa được hỗ trợ và hưởng lợi gì từ hợp đồng này?. Đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sai phạm (nếu có) của Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân, trả lời trước công luận. 

HOÀNG MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh