THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:35

Trưng cầu ý dân để người dân có trách nhiệm hơn

.

Chiều 3/6, thảo luận tại tổ về Luật Trưng cầu ý dân, phần lớn các đại biểu cho rằng, phương án đã trưng cầu ý dân cần tổ chức trên toàn quốc, kể cả trường hợp sự việc, vấn đề xảy ra chỉ ở một vùng là phù hợp. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu phải xác định tương đối cụ thể vấn đề nào cần trưng cầu ý dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nghiêng về phương án đã trưng cầu ý dân cần tổ chức trên toàn quốc

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại, Hiến pháp 1946 đã quy định về quyền phúc quyết của người dân đối với những vấn đề hệ trọng quốc gia. Vấn đề là xây đựng được khung quy định để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp này của mình.

Ông Uông Chu Lưu cũng nêu kinh nghiệm, người Pháp đã từng khuyên là một đạo luật thông minh không nên quy định cứng những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân mà chỉ cần đảm bảo nguyên tắc quyền kiểm soát thuộc Quốc hội. Như thế, tuỳ giai đoạn lịch sử, thể chế chính trị, Quốc hội sẽ quyết định lựa chọn các vấn đề là quan trọng, buộc phải trưng cầu ý kiến người dân cả nước.

Cách đặt vấn đề trong dự thảo luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, như vậy là đúng và trúng.

Về phạm vi trưng cầu, ông Lưu cũng nghiêng về phương án đã trưng cầu ý dân cần tổ chức trên toàn quốc, kể cả trường hợp sự việc, vấn đề xảy ra chỉ ở một vùng, một khu vực, một tỉnh thành cụ thể nhưng vẫn phải được sự đồng ý của người dân cả nước. Tính chất đặc thù của Việt Nam là một nhà nước đơn nhất, thống nhất chứ không phải liên bang, nguyên tắc này càng thể hiện rõ.

Về vấn đề điều kiện để xác lập kết quả cuộc trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trưng cầu ý dân làm thế nào phải phản ánh được nguyện vọng của đa số người dân, đảm bảo tính dân chủ thực sự của việc thực hiện theo nguyện vọng của số đông người dân. Vì vậy, tỷ lệ đảm bảo kết quả trưng cầu ý dân được thực hiện phải tương đối cao.

Ông Uông Chu Lưu đồng ý quy định cuộc trưng cầu hợp lệ khi có trên 50% cử tri đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, kết quả số phiếu thuận đạt quá bán theo Phó Chủ tịch Quốc hội lại chưa ổn vì nếu 50% cử tri đi bỏ phiếu và cũng chỉ 50% đồng tình thì có nghĩa là cũng mới chỉ 25% dân số đồng ý với phương án đó, chứng tỏ tính thống nhất không cao.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, về kết quả trưng cầu ý dân, nên quy định phải đảm bảo ít nhất 2/3 số người bỏ phiếu tán thành.

Đại biểu Dương Trung Quốc

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói về tính cấp thiết phải xây dựng luật này khi trên 4/5 quốc gia trên thế giới đã có hình thức trưng cầu ý dân. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam cũng đã đề cập vấn đề này, nhiệm vụ hiện tại là phải xây dựng ngay luật để đưa vào cuộc sống.

“Trưng cầu ý dân là thể hiện tính chất dân chủ trực tiếp, đòi hỏi phải biến thành tập quán, thói quen của xã hội chứ không phải nên lập luận là người dân đã có đại biểu đại diện của mình, trưng cầu ý dân cũng chỉ cần tập trung ở nhóm dân trí cao cấp” – đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Ông Dương Trung Quốc cũng thuật lại việc nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã từng dẫn đoàn sang Thụy Sỹ tìm hiểu, học hỏi về việc này. Khi đó, phía bạn cũng lưu ý, việc trưng cầu ý dân mang tính số đông nên có tính bảo thủ, vì có tính bảo thủ nên người dân phải tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Bài học cụ thể là thành phố Giơ-ne-vơ để gìn giữ cảnh quan, chống tiếng ồn, người dân thành phố bỏ phiếu đồng ý quy định không cho phép máy bay hoạt động sau 17h chiều. Tuy nhiên, về sau mọi người đều nhận ra rằng đi máy bay đêm tiện hơn. Nhưng vì chính họ đã quyết về việc hạn chế giờ bay rồi nên buộc phải chấp nhận với lựa chọn của mình, họ phải sang Pháp để bay vào những khung giờ hạn chế tự mình đã đề ra.

Đại biểu Dương Trung Quốc gút lại: “Điều đó có nghĩa, người dân chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và nhà nước chỉ kiến tạo để người dân thực hiện. Trưng cầu ý dân khi trở thành tập quán thì người dân có trách nhiệm hơn trước quyết định của mình”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu cũng lưu ý, thực hiện trưng cầu ý dân cũng cần phải có lộ trình, không nên vội vã, dễ bị những lôi cuốn khác nhau mang lại tác hại.

Tại đoàn Nghệ An, đại biểu Nguyễn Đức Hiền nhìn nhận, Luật trưng cầu ý dân là thiết chế rất dân chủ, bảo đảm người dân thực hiện quyền của mình khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đi trực tiếp vào nội dung cụ thể trong điều luật, đại biểu Hiền cho rằng, cần làm rõ những vấn đề như khi Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân thì dựa trên cơ sở nào, trình tự thủ tục ra sao và đặc biệt hình thức thể hiện kết quả trưng cầu ý dân như thế nào. “Ở đây tôi thấy chưa rõ những vấn đề gì cần trưng cầu ý dân. Tôi nghĩ, không chỉ những gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội mới trưng cầu ý dân”, đại biểu Nguyễn Đức Hiền nêu ý kiến.

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, Luật Trưng cầu ý dân khi chưa có thì thấy cần thiết, nhưng có rồi thì thực hiện là cả một quá trình. Do vậy, những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân cần phải lâm rõ. Luật nên quy định rõ nội dung nào cần đưa ra trưng cầu ý dân. Ví dụ như vấn đề lãnh thổ có đưa ra trưng cầu ý dân được không?

Về cách trưng cầu ý dân, đại biểu nhận thấy giống như bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Với cách làm như vậy, đại biểu đưa ra nhiều lo ngại gây tốn kém, khó thực hiện vì nhân dân vùng sâu vùng xa đi cả ngày bỏ phiếu, thì không được.

Tại tổ Đồng Nai, đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) nhận thấy quy định những vấn đề cần trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước là phù hợp. Vì nhiều vấn đề nếu xảy ra hậu quả thì không chỉ nhân dân vùng đó mà dân cả khu vực, thậm chí cả nước bị ảnh hưởng.

Đại biểu Trần Văn Tư đề cập đến những vấn đề phải lấy ý kiến nhân dân, ví dụ vấn đề chiến tranh, lãnh thổ có đưa ra lấy ý kiến nhân dân không. “Tôi nghĩ cần thận trọng, ví dụ năm 2014 sự kiện giàn khoan Trung Quốc khi ấy nếu lấy ý kiến trưng cầu ý dân thì có nhiều ý kiến khác nhau, gây khó cho đại cuộc. Do đó những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải do Quốc hội quyết định”, đại biểu Trần Văn Tư phân tích rõ.

Theo Dantri.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh