THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:26

Nhiều Luật chưa có hiệu lực đã đề xuất sửa đổi, bổ sung

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung 9 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Trong đó có đến 03 dự án Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014) hiện chưa có hiệu lực nhưng đã được Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đó là các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân và Luật nhà ở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý

Theo thuyết minh của Chính phủ, việc bổ sung các Dự án Luật này nhằm thể chế hóa Kết luận số 86/KL-TW (tháng 01/2014) về các cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh người tài năng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân và Luật nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8  đến nay còn chưa có hiệu lực thi hành; hơn nữa, với các quy định của pháp luật hiện hành vẫn bảo đảm thực hiện được Kết luận số 86/KL-TW. “Do đó, đề nghị không bổ sung các dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2015”, ông Phan Trung Lý nói

Chính phủ cũng đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, dự án Luật về hội từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016).

Luật Công an nhân dân vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014) đến nay còn chưa có hiệu lực thi hành nhưng Chính phủ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Không đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị giữ thời hạn trình dự án Luật về Hội tại kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Đối với dự án Luật biểu tình cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11. “Đây là những dự án Luật quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật biểu tình, dự án Luật về hội trình Quốc hội theo tiến độ”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành văn bản pháp luật để thực hiện Điều 53 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012): “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, hiện nay Đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh. Do vậy, đề nghị xem xét việc ban hành văn bản quy định về vấn đề này khi xem xét việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng hoặc đưa nội dung này vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Hà Huy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh