Trưng bày 300 hiện vật được phát hiện từ các di tích thuộc văn hóa Óc Eo
- Văn hóa - Giải trí
- 22:22 - 29/11/2017
Nhân kỉ niệm 13 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2017) Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang thực hiện chuyên đề “Báu vật vương quốc cổ - Nghệ thuật kim hoàn và trang sức văn hóa Óc Eo” giới thiệu gần 300 hiện vật được phát hiện từ các di tích thuộc văn hóa Óc Eo.
Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phát biểu tại lễ khai mạc
Hơn một thế kỷ nghiên cứu về Phù Nam - một vương quốc cổ đại được ghi chép khá cụ thể trong thư tịch cổ Trung Quốc, được khắc thành minh văn trên bi ký, trên bệ thờ bằng đá, trong các kiến trúc của cư dân cổ vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long; việc phát hiện di tích Cảng thị Óc Eo (An Giang) của nhà Khảo cổ người Pháp Louis Malleret năm 1944 đã là một bằng chứng chân xác về sự tồn tại của Vương quốc này.
Bảo tàng lịch sử của các tỉnh đóng góp gần 300 hiện vật trưng bày
Văn hóa Óc Eo là một trong những vấn đề được khảo cổ học quan tâm đặc biệt. Các cuộc khảo sát, điền dã và khai quật đã được tiến hành khắp nơi từ Kiên Giang cho đến vùng cao trung lưu sông Đồng Nai. Trên 90 di tích (hoặc khu di tích) đã được kiểm chứng và phát hiện mới với hàng vạn cổ vật bằng nhiều chất liệu: đá, đồng, gốm, kim loại quý... đã được thu thập tại các di tích này.
Trang sức thể hiện óc thẩm mỹ và trình độ nghệ thuật cao của cư dân văn hóa Óc Eo
Những di vật văn hóa Óc Eo chứa đựng nhiều giá trị lớn về vật chất - tinh thần, về khoa học và kỹ thuật, về kinh tế và xã hội. Sản phẩm kim hoàn và trang sức của văn hóa Óc Eo rất đa dạng về loại hình, phong cách và đề tài trang trí được chế tác cầu kỳ, tinh xảo là những tuyệt phẩm từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Các di tích đền tháp, mộ táng; các sưu tập tượng đá, tượng gỗ tuyệt tác được làm theo phong cách Hindu giáo, Phật giáo; các sưu tập trang sức bằng kim loại quý, đá ngọc, thủy tinh thu hút rất nhiều người đến tham quan.
Một số hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng lịch sử TP.HCM về Nghệ thuật kim hoàn và trang sức văn hóa