CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:20

Trục lợi Quỹ BHTN: Phải xử lý quyết liệt hơn

 

Nhiều hình thức gian lận

Luật Việc làm quy định: Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng  người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) về việc tìm kiếm việc làm. Nếu người lao động đã có việc làm phải thông báo cơ quan chức năng để ngưng trợ cấp TCTN. Thế nhưng, thời gian qua tại một số địa phương, nhiều lao động  dù đã tìm được việc làm nhưng vẫn “lờ” đi, không khai báo nhằm chiếm đoạn số tiền này. Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có 209.900 người hưởng chế độ thất nghiệp. Số tiền chi từ quỹ BHTN lên đến 1.363,4 tỷ đồng. Tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thêu, Phó Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm) cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 5/2016, toàn thành phố có 11.800 người có quyết định hưởng TCTN, trong đó lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 36,5%. Mới đây, qua rà soát tại cơ quan BHXH Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước phát hiện trong năm 2013 có 63 người bị thu hồi TCTN.

Lao động đăng ký BHTN tại tỉnh Thái Bình.

Theo bà Phạm Thị Thêu, thực tế số lao động bị thu hồi TCTN lớn hơn con số này rất nhiều. Những trường hợp bị phát hiện chỉ là khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội của lần tiếp theo do có việc làm mới, khi đó cơ quan bảo hiểm xã hội mới rà soát, phát hiện được và thông báo với Trung tâm ngay để cắt hồ sơ, thu hồi tiền TCTN. Tình trạng vi phạm, gian lận quỹ BHTN xảy ra phần lớn do sự không trung thực của người lao động và doanh nghiệp. Vẫn có không ít lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách đăng ký trợ cấp thất nghiệp để trục lợi. Điển hình và phổ biến nhất là trường hợp người lao động tìm được việc làm nhưng không khai báo để tiếp tục nhận TCTN. Ngoài ra còn có tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN, hay hiện tượng người lao động di chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nhưng chỉ sau một thời gian, người lao động quay lại đúng với doanh nghiệp cũ.

Một dạng lách luật hưởng BHTN khác đang được cảnh báo là người lao động và doanh nghiệp thông đồng với nhau để hưởng TCTN. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc trong thời gian ngắn, sau khi hoàn tất các thủ tục hưởng TCTN thì nhận vào làm việc lại như bình thường.

Giám sát đã khó, việc thu hồi số tiền chi trả cũng không hề dễ. Khi phát hiện vụ việc gian lận, Sở LĐ-TB&XH sẽ ban hành quyết định cắt trợ cấp và thu hồi tiền TCTN. Nhưng nhiều trường hợp cố tình không trả hoặc “bặt vô âm tín”, không liên hệ được. “Thường địa chỉ lưu trên hồ sơ của người lao động là địa chỉ trên chứng minh thư. Bởi vậy khi tiến hành đi đòi, dù chúng tôi đã tìm đến địa chỉ đó nhưng thường chỉ còn cha mẹ họ hoặc đã chuyển nhà, đi lấy chồng, đi làm ăn xa… Rất nhiều lí do để người lao động không lộ diện mà chúng tôi không có cách nào tìm ra được”, bà Phạm Thị Thêu cho hay.

Cần thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu lao động trong toàn quốc

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc trục lợi quỹ BHTN trở nên dễ dàng chính việc đăng kí hưởng TCTN hiện khá dễ dàng. Đối với lao động nếu có đủ các loại giấy tờ (gồm: Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ bảo hiểm xã hội; chứng minh nhân dân) là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Bên cạnh đó, quy định về BHTN ban hành chưa đầy đủ nên việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. Hiện, công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực BHTN giữa cơ quan tiếp nhận (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) với đơn vị chi trả trợ cấp (Bảo hiểm xã hội tỉnh) chưa thường xuyên khiến việc triển khai BHTN còn bất cập.

Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, nguyên nhân trục lợi BHTN là do người lao động đã  lợi dụng kẽ hở trong quy định và  trách nhiệm chưa rõ ràng. Đơn cử, tại Khoản 2, Điều 18, Luật Việc làm giao các Sở LĐ-TB&XH ra quyết định thu hồi tiền trợ cấp sai, sau đó căn cứ quyết định thu hồi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này quá chung chung, dẫn đến trách nhiệm không được phân định rạch ròi, không biết cơ quan, tổ chức nào là “vai chính” trong thực hiện thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp sai. Chưa kể giải pháp mà các cơ quan chức năng hiện nay đang áp dụng đó là làm văn bản gửi đến doanh nghiệp đề nghị phối hợp xử lý sai trái của người lao động. Tuy nhiên, việc này không phải doanh nghiệp nào cũng “hồ hởi”. Thời gian qua, rất nhiều chiến dịch nhằm  tuyên truyền, nhắc nhở NLĐ về vấn đề BHTN nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả tối đa. NLĐ vẫn cố tình lơ các quy định, điều này khiến cho các  cơ quan chức năng khó lòng phát hiện gian dối. Để ngăn chặn triệt để cơ hội trục lợi chính sách BHTN cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng với doanh nghiệp trong xác minh, kiểm tra, quản lý chi trả BHTN. Nâng cao khả năng quản lý CNTT về dữ liệu liên thông của ngành BHXH trong toàn quốc để NLĐ dù có đi tỉnh, thành khác khai báo vẫn có thể phát hiện. Bên cạnh đó,  bắt buộc cơ quan quản lý lao động ở Trung ương và các địa phương phải thiết lập được hệ thống quản lý dữ liệu lao động trong toàn quốc thì mới có khả năng phòng ngừa, phát hiện.        

Quy định về BHTN theo Luật Việc làm:

Mức đóng BHTN hiện nay được quy định hàng tháng, doanh nghiệp đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của người lao động để đóng vào Quỹ BHTN với tỷ lệ đóng là 2% (trong đó doanh nghiệp đóng 1% và người lao động đóng 1% tiền lương tháng). Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Mức TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng TCTN được quy định như sau: 3 tháng, nếu có từ đủ 12 - 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng, nếu có từ 36 - 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng, nếu có từ đủ 72-144 tháng đóng BHTN; 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

VL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh