Trung tâm DVVL với việc giải quyết chế độ BHTN
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:30 - 05/06/2016
Việc tư vấn cho người lao động vẫn chưa chủ động
Để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 196/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các TTDVVL đã thành lập các phòng chức năng để cung cấp các dịch vụ việc làm và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất về tên gọi, số lượng phòng giữa các trung tâm trên cả nước, các phòng chức năng chưa có sự thống nhất về cơ chế phối hợp, nên công tác tư vấn (việc làm, học nghề, chính sách lao động việc làm, ...), giới thiệu việc làm đối với người lao động chưa có sự thống nhất giữa các phòng trong TTDVVL. Sau các hội thảo xây dựng mô hình chung về “Quy trình tiếp nhận, giải quyết chế độ BHTN đối với người lao động” của Cục Việc làm năm 2014, một số TTDVVL đã thành lập bộ phận tiếp đón người lao động. Tuy nhiên, hầu hết các TTDVVL đã thành lập bộ phận tiếp đón thuộc Phòng BHTN phục vụ người lao động thực hiện các thủ tục về BHTN.
Theo khảo sát của Trung tâm Quốc gia về DVVL năm 2015, các TTDVVL đã tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm và giải quyết chế độ BHTN dựa trên hai dạng mô hình chính: Thứ nhất là mô hình chuyên sâu do từng phòng, ban chuyên môn đảm nhiệm, thực hiện đón tiếp, tư vấn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả,... đối với người lao động (đa số các TTDVVL thực hiện theo mô hình này).Thứ hai là mô hình tổng hợp nhiều nhiệm vụ, mô hình này TTDVVL tổ chức bộ phận giao dịch với người lao động. Người lao động đến giao dịch được nhân viên cung cấp tất cả các DVVL trong suốt quá trình cung cấp DVVL hay giải quyết chế độ BHTN (từ đón tiếp, tư vấn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả, tiếp nhận thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, ...);
Lao động đăng ký BHTN tại Trung tâm DVVL Hà Nội.
Với hai mô hình trên về cơ bản các TTDVVL đã thực hiện tốt nhiệm vụ, giải quyết việc làm đối với người lao động, giải quyết chế độ BHTN đúng, đầy đủ đối với người lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, công tác tư vấn chưa chủ động nắm bắt đầy đủ khả năng và nhu cầu của người lao động để tư vấn, định hướng và giới thiệu việc làm đối với người lao động. Đặc biệt đối với người lao động thất nghiệp, chưa tư vấn để họ nhận việc làm trước khi thực hiện các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trung tâm DVVL cần gắn với giải quyết BHTN
Để khắc phục những vấn đề trên, Cục Việc làm đã chỉ đạo Trung tâm Quốc gia về DVVL xây dựng mô hình khung hoạt động TTDVVL gắn với giải quyết chế độ BHTN, phù hợp và thống nhất trên cả nước. Trong đó, hoạt động của mô hình là lấy người lao động làm trung tâm, thực hiện giải quyết tốt nhu cầu của người lao động là mục tiêu hoạt động của TTDVVL. Các bộ phận chuyên môn được sắp xếp thành 2 tuyến, tuyến trước thực hiện các dịch vụ trực tiếp đối với người lao động, tuyến sau cung cấp thông tin, phục vụ cho tuyến trước, nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm mới trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Để thực hiện mô hình như trên, Bộ phận Tư vấn ban đầu là bộ phận trung tâm, trực tiếp giao dịch với người lao động, các bộ phận khác của TTDVVL đóng vai trò là bộ phận cung cấp thông tin đối với Bộ phận Tư vấn ban đầu và thực hiện các thủ tục nghiệp vụ, hồ sơ tiếp theo.
Vì vậy, để mô hình thực sự có hiệu quả, trong quá trình thực hiện cần bố trí bộ phận tư vấn, giới thiệu việc làm theo mô hình khung để thống nhất thực hiện trên cả nước, tập trung vào công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Đây là bước đầu tiên, quan trọng nhằm đưa người lao động sớm tìm được việc làm mới; Áp dụng mô hình này tại trụ sở chính. Tại điểm giao dịch (Văn phòng đại diện) áp dụng linh hoạt, tùy thuộc vào điều kiện của địa phương và số lượng NLĐ đến giao dịch tại điểm tiếp nhận,... chủ động sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với điều kiện của địa phương; thường xuyên áp dụng hình thức tư vấn cá nhân đối với người lao động. Tại những thời điểm có đông người lao động, chủ động tổ chức tư vấn tập thể, bố trí hội trường, trang thiết bị tư vấn tập thể theo điều kiện thực tế của địa phương; cần chủ động, tích cực khai thác, cập nhật thông tin thị trường lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu việc làm trống; chủ động đào tạo cán bộ tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện hình thành kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình để thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, giải quyết chế độ BHTN; tăng cường mối liên hệ với Trung tâm Quốc gia về DVVL và các TTDVVL khác để phối hợp thực hiện giải quyết chế độ BHTN đối với người lao động; cần linh hoạt thành lập các phòng ban, bộ phận để thực hiện cung cấp các DVVL đối với người lao động, người sử dụng lao động và tiếp nhận, giải quyết chế độ BHTN. Tuy nhiên, phải đáp ứng đầy đủ trình tự thực hiện của mô hình khung và quy trình giải quyết chế độ BHTN.