Nhiều thắc mắc về BHXH, BHYT, BHTN được giải đáp
- Tây Y
- 17:36 - 01/01/2016
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Câu 1: Bạn [email protected] hỏi: Bên công ty em có rất nhiều khoản phụ cấp cho NLĐ. Xin hỏi loại phụ cấp nào sau đây không phải đóng bảo hiểm: Phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe, phụ cấp điện thoại, phụ cấp gửi xe, phụ cấp thuê nhà, phụ cấp hiệu quả công việc, phụ cấp xe - taxi, phụ cấp ngoài giờ, phụ cấp bổ sung, phụ cấp chuẩn bị dự án, phụ cấp khác, phụ cấp Ngày chủ nhật, phụ cấp huấn luyện, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp hỗ trợ dự án…?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động; từ ngày 01/01/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động thì mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động bao gồm:
a) Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
b) Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
c) Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Như vậy, đề nghị ông/bà đối chiếu quy định nêu trên để xác định cụ thể khoản phụ cấp nào là phụ cấp lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Câu 2: Xin hỏi quý cơ quan BHXH, sang ngày 1/1/2016 thì các khoản phải đóng BHXH là mức lương và các khoản phụ cấp lương.... Vậy: Các khoản phụ cấp lương là những khoản nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động; từ ngày 01/01/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động thì mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động bao gồm:
a) Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
b) Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
c) Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Như vậy, đề nghị bạn đối chiếu quy định nêu trên để biết mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Câu 3: Bố tôi đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tỉnh, nhưng nhà tôi ở tại huyện theo quy định ngày 01/01/2016 đi KCB trái tuyến là 100% chi phí KCB tại tuyến huyện. Theo quy định thì từ ngày 01/01/2016 được thông tuyến từ xã đến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.Còn tỉnh BV tỉnh xuống huyện có được không.Vậy trong trường hợp ốm đau bình thường bố tôi có thể ra bệnh viện huyện khám được không?và mức hưởng sẽ như thế nào?
Trả lời:
Từ ngày 01/01/2016, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại TYT xã, PKĐK, bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB tại 3 loại cơ sở KCB nêu trên vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi KCB BHYT theo quy định. Đối với trường hợp đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến TW, về nguyên tắc đã được thụ hưởng các DVYT cao hơn so với các trường hợp đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã, PKĐK, bệnh viện tuyến huyện.
Mặt khác, khi người bệnh vào viện trong tình trạng cấp cứu thì được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào; trường hợp đi học tập, công tác, thường trú, tạm trú được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào tương đương với tuyến đăng ký ban đầu ghi trên thẻ; Các đối tượng có mã nơi đối tượng sinh sống là K1, K2, K3 được KCB tại tuyến huyện, điều trị nội trú tại tuyến tỉnh, tuyến TW.
Do vậy, nếu ông/bà đã được đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện tuyến tỉnh và không thuộc một trong các trường hợp đã nêu trên, tự đi KCB ở bệnh viện tuyến huyện thì quỹ BHYT tạm thời chưa thanh toán chi phí KCB như trường hợp tự đi KCB ngoại trú tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và TW.
Vấn đề này đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu để có giải pháp hợp lý, vừa đảm bảo quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Câu 4: Tôi được biết từ 01/01/2016 phải đóng BHXH cả: Tiền lương và phụ cấp lương (phải ghi rõ trong HĐLĐ). Đơn vị chúng tôi lâu nay trả lương và có quy định rõ trong HĐLĐ mức thu nhập đó bao gồm Tiền lương và phụ cấp lương rồi. Vậy, với quy định mới này chúng tôi có phải tách 2 khoản đó ra rõ ràng thay vì gộp vào như trước đây không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động thì mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động bao gồm:
a) Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
b) Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
c) Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị bạn đối chiếu để ghi mức tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trong Hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Câu 5: Kính gửi cơ quan BHXH, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Tôi bị tai nạn nằm viện ngày 29.06, do thẻ BHYT sắp hết hạn, còn thẻ mới thì chưa có do công ty gia hạn làm trễ . Vậy khi ra viện ngày 02.07 thì do thẻ cũ đã hết hạn nên không được bệnh viện thanh toán. Tôi phải thanh toán toàn bộ viện phí. Sau đó tôi có lấy thẻ mới cộng với tất cả giấy tờ ra viện làm hồ sơ để lấy lại tiền viện phí. Khi lên cơ quan BHXH quận họ không chấp nhận hồ sơ lý do là giấy xuất viện đã đề là thuộc đối tượng BHYT nhưng tờ thanh toán là bệnh nhân trả toàn bộ. Vậy xin hỏi nếu trường hợp như tôi không có quyền hưởng lợi ích gì về BHYT hay sao? Có chính sách nào để tôi và mọi người không bị trường hợp nêu trên.
Trả lời:
Căn cứ thông tin do ông/bà cung cấp, việc bệnh viện yêu cầu người bệnh nộp toàn bộ viện phí, trong khi thẻ BHYT vẫn còn giá trị sử dụng là chưa thực hiện đúng với các quy định hiện hành, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT.
Về nguyên tắc, quyền lợi KCB BHYT phải phù hợp với giá trị sử dụng của thẻ BHYT. Do đó, từ ngày ông/bà bị tai nạn phải nhập viện đến ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng, ông/bà phải được hưởng đầy đủ quyền lợi KCB BHYT tương ứng với mức hưởng được ghi trên thẻ.
Khi thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, ông/bà phải tự thanh toán với cơ sở KCB.
Trường hợp thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ BHYT cũ thì chi phí KCB trong giai đoạn này được quỹ BHYT thanh toán;
Trường hợp thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng không nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ BHYT cũ thì chi phí KCB trong giai đoạn này do đơn vị sử dụng lao động chi trả.
Câu 6: Cháu là người đi lao động tại Hàn Quốc. Vừa qua cháu có xem về luật đóng BHXH đối với người lao động ở nước ngoài. Cháu muốn hỏi: 22% chúng cháu phải đóng theo mức lương cơ bản tại Hàn Quốc hay mức lương cơ bản của Việt Nam. Vì như Công ty cháu làm có 8 tiếng chỉ được lương cơ bản là 1.156.000 won mà phải đóng các loại bảo hiểm bên này rồi con lại được 1.000.000 won. Nếu đóng 22% theo lương cơ bản bên Hàn Quốc thì chắc cháu chỉ còn 780.000 won, chưa tính sinh hoạt phí nữa nên cháu hơi hoang mang. Mong các cô chú trả lời cho cháu đỡ lo phần nào: "22% của lương cơ bản Việt Nam hay Hàn Quốc?"
Trả lời:
Theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 2, Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì người đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Tại khoản 2, Điều 85, Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì mức đóng và phương thức đóng được thực hiện như sau:
a) Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
Đối chiếu các quy định như trên, trường hợp của bạn thuộc đối tượng có mức đóng bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ Việt Nam (hiện nay là: 1.150.000 x 2 x 22% = 506.000 đồng/tháng).
Câu 7: Bạn [email protected] hỏi: Các bác xem xét và ra văn bản hướng dẫn rõ hơn về việc ghi K1, K2 hoặc K3 trên thẻ BHYT cho người dân sinh sống và làm việc tại vùng khó khăn, và đặc biệt khó khăn. Như hiện nay các văn bản chỉ nói đến người dân tộc thiểu số và người nghèo do vậy người dân tộc“ Kinh” thì lại không được hưởng chính sách cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế.
Theo tôi K1, K2, K3 ghi trên thẻ BHYT thể hiện cho người sinh sống ở vùng đó thì ai cũng được ghi như nhau, không phân biệt, đúng không ạ? Cho em hỏi, bà con các dân tộc ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn này có được hưởng cái K2 ghi trên thẻ BHYT không ạ?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 22 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với bệnh viện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và có mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Ngày 16/11/2015, BHXH Việt Nam đã ban hành quyết định 1351/QĐ-BHXH về việc ban hành mã số ghi trên thẻ.Theo đó:
K1: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
K2: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
K3: là mã nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Vì vậy, chỉ các đối tượng mang mã K1, K2, K3 mới được hưởng quyền lợi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và không cần giấy chuyển tuyến.
Do đó, chỉ có người dân tộc Kinh sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, người kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mới được hưởng quyền lợi theo quy định này.
Câu 8: Bà Trần Thị Hồng Vân, Tp.Hồ Chí Minh hỏi: tôi thôi việc ở công ty cuối tháng 3/2015, nhưng công ty không thu hồi thẻ BHYT. Thẻ BHYT của tôi hết hạn vào ngày 30/6/2015, đúng ngày tôi dự sinh con. Tôi xin hỏi, tôi có thể tiếp tục mua BHYT theo hình thức tự nguyện được không? Tôi có được thanh toán BHYT khi sinh con không? Tôi có được hưởng trợ cấp thai sản không?
Trả lời:
Bà Vân đã nghỉ việc vào cuối tháng 3/2015, do đó bà không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị công tác, Bà phải trả thẻ BHYT cho đơn vị để chuyển trả cơ quan BHXH. Căn cứ Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung số 46/2014/QH13, sau khi nghỉ việc ở đơn vị, Bà có thể tiếp tục tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình tại BHXH cấp huyện hoặc Đại lý thu BHYT của cơ quan BHXH và được hưởng các quyền lợi về BHYT khi sinh con.
Theo quy định tại Điều 28 Luật BHXH số 71/2006/QH11 thì người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì được hưởng chế độ thai sản.
Câu 9: Tôi là người lao động tự do, có tìm hiểu và muốn tham gia BHXH tự nguyện. Hiện tôi được biết, theo Luật BHXH (sửa đổi) thì Chính phủ sẽ có hỗ trợ với người tham gia BHXH tự nguyện. Tôi muốn hỏi Chính phủ sẽ hỗ trợ như thế nào cho người tham gia và bao giờ sẽ thực hiện?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6, Khoản 1, Khoản 3 Điều 87 Luật BHXH năm 2014 thì nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện; căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện và Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo đó, mức hỗ trợ, thời điểm được hồ trợ, thời gian hỗ trợ cụ thể khi có quy định của Chính phủ, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn về nội dung này.
Câu 10: Bà Thân Thúy Hà, (Bình Dương) hỏi: Vợ chồng tôi có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đăng kí tạm trú tại tỉnh Bình Dương. Vừa qua, vợ tôi sinh con và ra UBND phường đăng kí BHYT cho con nhưng cán bộ phụ trách đề nghị gia đình tôi phải về Thanh Hóa đăng kí thì mới được hưởng quyền lợi. Tôi xin hỏi, như vậy có đúng không?
BHXH Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh. Do đó, về mặt nguyên tắc UBND xã nơi cấp giấy khai sinh cho con bạn sẽ có trách nhiệm đề nghị cấp thẻ BHYT cho con bạn.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT thì người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương không phân biệt địa giới hành chính phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú, nơi làm việc và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.
Do đó, nếu có nhu cầu đăng ký KCB tại nơi tạm trú, khi đi đăng ký khai sinh cho con, gia đình Bà có thể đăng ký nơi KCB BHYT ban đầu cho bé tại cơ sở KCB BHYT ban đầu nơi gia đình Bà hiện đang tạm trú.
Trường hợp trẻ em đã được cấp thẻ BHYT, cha (mẹ) hoặc người giám hộ nộp thẻ BHYT cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH thu hồi thẻ BHYT, cấp giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Trường hợp người tham gia không nộp thẻ BHYT tại tỉnh nơi cấp thẻ thì cơ quan BHXH nơi cấp thẻ mới thu hồi thẻ BHYT cũ và cấp thẻ BHYT mới.
Câu 11: Theo tôi được biết, Luật BHXH (sửa đổi) có điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu giữa khu vực Nhà nước và ngoài nhà nước? Vậy tôi muốn biết cụ thể về những điều chỉnh và thời điểm áp dụng? (Phạm Duy Phương, Hà Nam).
Trả lời:
Tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 62 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định:
“Điều 62. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Tham gia BHXH trước ngày 1/ 1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/ 2001 đến ngày 31/12 /2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/ 1/2007 đến ngày 31/12 /2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Tham gia BHXH từ ngày 1 tháng 1 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Đồng thời tại Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Vì vậy, đề nghị Ông (bà) đối chiếu quy định nêu trên để được biết hoặc liên hệ cơ quan BHXH địa phương gần nhất để được hướng dẫn, giải thích cụ thể.