THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:24

Trúc Chỉ - Lời của Sông

 

Mượn lời của nhà Triết học Heraclitus: “ Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, triển lãm Trúc Chỉ - Lời của Sông là một phép tiếp biến những giá trị văn hoá truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật đương đại. Qua sự kết hợp các loại hình Trúc Chỉ, sắp đặt, ánh sáng, âm thanh, video,… Trúc Chỉ - Lời của Sông mang đến một cuộc thưởng ngoạn kì thú những điệu khúc của "Sông" với cảm giác nhẹ nhàng, thân thuộc. 

                                      Một cuộc thưởng ngoạn kì thú những điệu khúc của "Sông".

Khai thác hình tượng Sông – Mẹ, ẩn dụ về sự bảo bọc, chuyên chở, chuyển động. Cũng có nghĩa là thay đổi, làm mới, tương ứng với các đặc tính của sáng tạo. Trúc Chỉ - Lời của Sông là hiện thân của một cuộc vận động không ngừng nghỉ của đời sống và sáng tạo. Cùng với thời gian, cả hai đều lần lượt hiện ra với những biểu hiện mới như một sự phục sinh với những hình hài khác, hoá thân khác.

Từ những nguyên liệu gần gũi, thô sơ, dễ tìm thấy ỏ bất cứ đâu trên khắp lãnh thổ Việt Nam: Tre, rơm, mía, bèo, lục bình, chuối, vải cũ,… Nghệ thuật Trúc Chỉ là một sự tiếp biến những thành tựu của nghề làm giấy. Trên cơ sở của nghề giấy thủ công truyền thống, tre được chọn làm nguyên liệu chính. Quy trình xử lý nguyên liệu thô thành bột giấy được học tập từ quy trình truyền thống, quy trình seo giấy đã được cập nhật và biến đổi. Khi tấm giấy được hình thành trên khung seo, quy trình của nghề giấy coi như kết thúc, chỉ việc nén ép, bóc và làm khô. Với Trúc Chỉ thì đây là lúc bắt đầu: Các nghệ sỹ sẽ tác động lên bề mặt tấm giấy đang ướt bằng các phương thức khác nhau, vận dụng nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa (printmaking) để thay đổi bản chất cấu trúc cũng như bề mặt nhằm tạo nên các tác phẩm mang đặc trưng ngôn ngữ đồ họa. Giấy không chỉ dừng lại ở thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo thi triển trên đó, mà hoàn toàn có thể trở thành những tác phẩm độc lập, nghề giấy cũng là một nghệ thuật.

                                         Một không gian khoáng đạt, gần gũi khơi gợi nhiều xúc cảm.

Hoạ sỹ Phan Hải Bằng cho biết: “ Sáng tạo nghệ thuật này có tên là Trúc chỉ vốn dĩ cây tre là nguyên liệu gần gũi, dễ kiếm ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Tuy nhiên lý do quan trọng hơn, cây tre là biểu tượng văn hoá trong tâm thức của người Việt. Trong khi định hướng của chúng tôi là xây dựng giá trị văn hoá mới dựa trên nền tảng truyền thống, bởi vậy tre được lựa chọn là nguyên liệu chính. Chúng tôi mong muốn kết nối tất cả các năng lượng truyền thống thông qua các làng nghề. Hi vọng trong tương lai, với sự đồng thuận của các nhân sĩ trí thức, cấp lãnh đạo quản lý nhà nước, ý tưởng nghệ thuật này có thể trở thành làng nghề truyền thống trong tương lai,”.

                                          Hoạ sỹ Phan Hải Bằng.

Nhận xét về triển lãm Trúc Chỉ - Lời của Sông, hoạ sỹ đồ hoạ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Phan Hải Bằng thực sự đã dẫn dắt được người xem đến với câu chuyện của mình bằng cách vừa mới mẻ, vừa thú vị nhưng cũng thật gần gũi. Hình tượng ẩn dụ dòng Sông không chỉ là dòng Sông kí ức, dòng Sông tuổi thơ mà còn là dòng chảy của cuộc sống và sáng tạo. Đến với Trúc Chỉ - Lời của Sông, chúng ta nhìn thấy mình, nhận ra linh hồn của dân tộc mình qua từng nấc thang giá trị văn hoá để từ đó biết cách trân quý và ứng xử với các giá trị văn hoá truyền thống trong sáng tác đương đại .”

Triển lãm Trúc Chỉ - Lời của Sông sẽ còn tiếp tục diễn ra từ 2/7 đến hết ngày 17/7/2016, tại Viện Goethe Hà Nội.

Thanh Mai\ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh