THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:35

Trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ trao bằng công nhận Trò diễn Xuân Phả là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lam Kinh-Lam Sơn (huyện Thọ Xuân-Thanh Hóa) là vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt”, quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, đây là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh (1418-1427) và cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vương hậu thời Lê sơ…

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức vào dịp giỗ vua Lê “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi” (tháng 8 âm) nhằm tôn vinh triều đại nhà Lê, các anh hùng dân tộc đã làm rạng danh cho non sông đất nước, con người và quê hương xứ Thanh. Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị văn hóa, nhân văn, khơi dậy nét đẹp truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Thanh.

Một trong những nét đặc biệt nhất không thể thiếu trong Lễ hội Lam Kinh là trò diễn Xuân Phả. Tương truyền trò diễn Xuân Phả (thuộc làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có từ thời nhà Đinh.

Diễn trò xuân phả tại Lễ hội Lam Kinh

Trước đây trò diễn Xuân Phả thường được biểu diễn vào dịp hội làng mùng 10 tháng 2 âm lịch tại làng Xuân Phả sau đó được chuyển vào tháng 8 (âm) nhân dịp giỗ vua Lê “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”.

Trò diễn Xuân Phả mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ đến chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa. Trò Xuân Phả được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ và trở thành một tổ hợp múa dân gian đặc sắc của làng Xuân Phả.

Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo.

Đạo cụ diễn trò hầu như được chế tạo công phu bằng những nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si…hấp dẫn với những lốt voi, lốt hổ, lốt ngựa, lốt kỳ lân, mặt nạ, mũ da bò, mũ nan, múa siêu đao, chèo thuyền, múa quạt hay những bộ trang phục đặc sắc của ông Phỗng, ông Chúa, của Mế nàng...

Các nhân vật tham gia trò diễn hầu như đều do nam giới đảm nhiệm và phải đeo mặt nạ, ăn mặc sặc sỡ với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu vàng.

Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn. Những động tác khi múa lúc uyển chuyển, nhịp nhàng khi lại mạnh mẽ tạo nên cao trào, đem đến cho khán giả một cảm giác hết sức rộn ràng, đứng ngồi không yên... Chính vì vậy, trò diễn luôn được người làng Xuân Phả gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.

Cũng nhân dịp này, huyện Thọ Xuân cũng trưng bày trang phục, đạo cụ, đồng thời biểu diễn minh họa và hướng dẫn trò diễn Xuân Phả đến đông đảo người dân.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh