THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:53

Trở về cộng đồng để làm công dân tốt

 

Phạm nhân chuẩn bị trở lại cộng đồng sau thời gian dài thụ án gặp nhiều khó khăn khác nhau, trong đó nhiều vấn đề có thể được giải quyết nếu được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý.

        Phạm nhân cần có sự tư vấn, hỗ trợ tốt về pháp lý để tái hòa nhập nhanh chóng với xã hội

                                (Ảnh mang tính minh họa - nguồn: Vietnamnet.vn)

Trong một cuộc hội thảo diễn ra ở trụ sở Văn phòng của Liên hợp quốc tại Hà Nội, trung tâm Tư vấn Pháp luật của Đại học Luật TPHồ Chí Minh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng đại diện bộ, ngành, trường luật, phân trại giam... đã có những chia sẻ, ý kiến xây dựng tích cực về vấn đề này.

Theo ngài Scott Ciment, cố vấn chính sách về pháp quyền của UNDP cho biết: Khó khăn về giấy chứng minh nhân dân, giải quyết hồ sơ lý lịch tư pháp, đăng ký hộ khẩu và các rắc rối gia đình là những vấn đề thường gặp, một số phạm nhân đọc viết còn khó khăn. Chương trình này được Thiết kế để giúp phạm nhân tái hòa nhập xã hội thông qua trợ giúp thông tin pháp lý cơ bản do các sinh viên luật thực hiện với sự hỗ trợ của các giảng viên và luật sư.

Trước khi đến nhà tù, 50 sinh viên tại ĐH Luật TPHồ Chí Minh đã gửi phạm nhân bằng câu hỏi đánh giá nhu cầu pháp lý để đảm bảo công tác trợ giúp pháp lý hữu ích đối với phạm nhân. Sau đó, sinh viên cùng với các giảng viên và luật sư phân tích đánh giá nhu cầu và làm quen với các vấn đề pháp lý mà phạm nhân có thể nêu trong các phiên tư vấn. Tiếp theo, sinh viên gặp và nói chuyên với hơn 600 phạm nhân ở 5 trại giam Long Hòa, Cây Cầy, Thanh Hóa (2 phân trại), và Thủ Đức (Z30D). Các sinh viên đã ghi chép và cung cấp thông tin tại các buổi tư vấn trực tiếp khi ra tù, các cựu phạm nhân có thể đến trung tâm Tư vấn Pháp lý để tiếp tục được trợ giúp.

Trao đổi với PV, Trung tá Phạm Thị Minh Hải, Phó Giám thị trại giam Long Hòa (Long An) cho biết  sau khi phạm nhân được tư vấn họ cảm thấy yên tâm, tự tin hơn khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Một số phạm nhân trăn trở về một số vấn đề sau khi mãn hạn tù như xóa án tích, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc làm, ra nước ngoài…. Tuy nhiên khi nhận được sự tư vấn, hỗ trợ giải đáp cụ thể thì họ đã có thêm động lực, niềm tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đại diện phía Cục C86 – Bộ Công an đã đưa ra 1 số kiến nghị: những đối tượng giáo dục, tư vấn là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ, họ có nhiều điểm khác nhau: trình độ văn hóa, sự nhận thức về luật pháp, giới tính, độ tuổi, đặc điểm văn hóa vùng miền, đặc biệt là mức độ, tính chất phạm tội khác nhau… do đó, cần phải nghiên cứu cụ thể từng con người để có biện pháp tư vấn, giáo dục phù hợp, hiệu quả. Đồng thời lưu ý khi cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc, tiếp xúc với phạm nhân cần phải được các cấp có thẩm quyền đồng ý vì theo quy định của pháp luật các cơ sở giam giữ là nơi luôn được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Hiện nay, hàng năm có hàng ngàn người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong số này nhiều người cần được tư vấn, trợ giúp pháp lý để hòa nhập cộng đồng nhưng chưa có cơ quan, tổ chức nào trực tiếp thực hiện công tác này. Vì vậy, đề nghị các trường đại học Luật, các cơ sở trợ giúp pháp lý… mở rộng phạm vi chương trình giáo dục, tư vấn pháp luật để tiếp cận nhóm đối tượng này nhằm hỗ trợ, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.


                                                                                               Lê Nhung/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh