THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:21

Trở lại nơi sơ tán

Sinh thời mẹ tôi kể lại rằng tôi được sinh ra bên mép con sông Cụt, phố Tả Môn, nay thuộc phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh vào một tối mùa đông năm Tân Sửu khi con nước doàng lên tận bập cửa nhà tranh. Đến năm tôi lên 4 tuổi, sau ngày giặc Mỹ ném bom bên rú Nài (trận 26/3/1965) rung chuyển cả thị xã Hà Tĩnh, mẹ lót tôi vào một đầu thúng, gồng gánh, cùng cả nhà chạy đi sơ tán lên xã Thạch Tân, nay là xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, bỏ lại mảnh đất hương hỏa với căn nhà trống cùng cái bể cạn đựng nước và ba gốc nhãn trong vườn đến mười năm sau mới trở về nhưng không mất một cái gì, ngoài một cây nhãn bị bom cắt đứt nửa thân và chiếc bể cạn bị sứt góc.  

Mặc dù được sinh ra ở thị xã Hà Tĩnh, nhưng trước khi đi sơ tán tôi còn quá nhỏ nên không ghi lại được trong đầu óc chút gì. Cái mốc thời gian bắt đầu in hình vào trí nhớ của tôi là lúc tôi đã lên 5 tuổi còn ở nhờ trong nhà bà chắt Lân tại xóm Bình Tiến, xã Thạch Tân với hình ảnh mẹ tôi vừa đi chợ Tỉnh về quần đang xắn ngang đầu gối vừa đặt đòn triêng xuống vô tới cửa, liền đút cho tôi và em trai tôi mỗi đứa một lát giò nạc.

Cung đường Sông nước xã Tân Lâm Hương đêm giao thừa

Cung đường Sông nước xã Tân Lâm Hương đêm giao thừa

Đến nay, tôi vẫn coi khoảnh khắc ấy là sân ga đầu tiên trong chuyến tàu cuộc đời mình hành trình qua bao cung bậc cảm xúc xúc để lưu thành kho nhật kí, cho tới tận ngày nào đó đầu óc tôi không thể tiếp nhận được gì nữa là khi neo đậu lại cuối bến đợi vô thường!

Tuổi thơ tôi gắn liền với mười năm sơ tán ở vùng quê nông thôn ấy với những lũy tre, vườn kè, nương khoai, ruộng lúa...; với những con cá lia thia, cánh diều, gậy khăng...; với đạn bom, pháo sáng, mũ rơm, tiếng kẻng báo động, tiếng máy bay gầm rú và cả tiếng chích chòe gọi bạn, tiếng nỉ non của đàn dế sau cơn mưa dông bất chợt giữa lưng ngày.... Đó chính là quãng thời gian đáng nhớ nhất cùng với những mộng mơ vô tư, hồn nhiên trong trẻo nhất, và cũng là vốn liếng lớn nhất luôn sẵn có nuôi dưỡng nguồn cảm hứng bất tận khi tôi ngày càng trở nên khao khát được lội ngược về theo lối mòn tuổi tác.

Sau thời kì ở tạm trong nhà bà chắt Lân vào những ngày đầu sơ tán, cả nhà tôi lại chuyển lên xóm Tân Đông ở nhờ trong nhà chị Liên-Thanh để tiện cho công việc của cậu (cha) tôi cùng gia đình. Vì hồi đó cậu tôi làm việc ở Ty Văn hóa Hà Tĩnh sơ tán đóng ở gần đó.

Tại đây, tôi cũng bắt đầu học vỡ lòng, rồi lên lớp 1 lớp 2... cho đến mãi sau này mới về thị xã. Khác với nhà bà chắt Lân rộng 3 gian được làm bằng gỗ lợp tranh, ngược lại nhà chị Liên -Thanh chỉ có 2 gian làm bằng tranh tre sơ sài thấp lè tè ở ngoài rìa làng, trong vườn chỉ có mấy bụi tre, bụi  kè mới trồng vì trước khi nhà tôi đến ở nhờ anh chị mới làm nhà ra ở riêng. Nhà tuy nhỏ, nhưng anh chị ở một gian, gian còn lại nhường hẳn cho gia đình nhà tôi.

Đường vào Chùa Giai Lam xã Tân Lâm Hương đêm giao thừa

Đường vào Chùa Giai Lam xã Tân Lâm Hương đêm giao thừa

Năm tôi học lớp lớp 1, anh Thanh bắt đầu đi bộ đội. Hồi đó anh chị chưa có con. Tôi thấy trước khi tiễn anh ra đầu ngõ, chị Liên tay run run trao cho anh một mo cơm nếp, mắt ngấn lệ dàn dụa!; thấy mẹ tôi ấp vào tay anh mấy đồng bạc và một chiếc bàn chải đánh răng. Riêng hình ảnh anh chị Liên, anh Thanh cầm tay nhau lưu luyến không muốn rời nửa bước trước khi anh ra khỏi ngõ vẫn ám ảnh mãi trong tôi tới tận bây giờ.

Đến năm tôi lên lớp 3 được thấy anh Thanh về nghỉ phép một lần. Có lẽ sau dịp đó chị Liên có bầu, để rồi chị phải "vượt cạn" một mình sinh người con gái đầu lòng đặt tên là Lưu. Cuối năm 1972, một hôm đi học về, tôi thấy chị Liên lăn ra giữa nhà khóc gào thảm thiết; mẹ tôi cũng đổ người xuống bên cạnh chị khóc nức nở; cậu tôi thì cứ chạy ra chạy vào như gà mắc tóc. Sự tình là sáng hôm đó cán bộ dân quân xã đưa giấy báo tử đến cho chị Liên báo tin, anh Nguyễn Hồng Thanh đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận.  

Đầu năm 1989, trước ngày cưới vợ, tôi có quay lại nhà chị Liên mời chị về thị xã Hà Tĩnh dự đám cưới tôi nhưng nhà chị đã chuyển đi chỗ khác rồi. Hỏi thăm mới biết chị được địa phương cấp cho một miếng đất làm nhà mới ở gần giáp đường Sông nước cách đó cũng không xa. Tuy nhiên, sau khi làm nhà được mấy năm thì em Lưu, con gái chị bị mất vì bệnh tim nặng.

Trong thời kì chiến tranh chống Mỹ, Thạch Tân là nơi sơ tán tập trung của 27 cơ quan, xí nghiệp của tỉnh và thị xã Hà Tĩnh. Đồng thời cũng là nơi sơ tán của 20 hộ dân xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị theo kế hoạch K10, K11 (mật danh kế hoạch sơ tán hồi đó) và 175 hộ dân từ thị xã Hà Tĩnh. Dân sơ tán hầu hết ở chung trong nhà dân, hoặc được chính quyền và bà con nhân dân địa phương nhường đất, hỗ trợ vật liệu tranh tre tranh và giúp đỡ ngày công.... để làm nhà ở và làm hầm hào tránh bom.

Ở thôn Tân Đông, tôi còn nhớ hình ảnh bà Mẹt, dân sơ tán Vĩnh Linh có thói quen hay hút thuốc sợi Cẩm Lệ cuốn bằng lá thuốc to như điều xì gà, đầu bà cạo trọc như nhà sư. Thấy cái "mấn" (váy) của bà mặc trê người có đến cả trăm miếng vá, có một dì cán bộ cùng làm việc ở Ty Văn hóa với cậu tôi thấy vậy mua cho bà một chiếc mấn mới, nhưng bà không chịu mặc, sau đó mẹ tôi sang nhà bà vận động mãi bà mới chịu mặc cho.

Đền Hương Nao - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từng là nơi người dân sơ tán ở tạm trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ

Đền Hương Nao - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từng là nơi người dân sơ tán ở tạm trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ

Cũng ở thôn Tân Đông còn có bà chắt Nhọn, dân bản địa, dù nhà nghèo "rớt mồng tơi" nhưng vào những đêm trăng sáng bà và chị Xuân - con gái đầu của bà vẫn thường hay hò đối đáp với người trong làng rất sôi nổi. Thấy nhà bà giường chõng không có, đêm về cả gia đình chui vào trong ổ rơm ngủ chung như ổ chuột, có một bác khác làm ở Trường Văn hóa nghệ thuật mua tặng bà một tấm chăn chiên Nam Định, nhưng nói mãi bà vẫn không chịu nhận cho... 

Trong thời kì chiến tranh chống Mỹ tôi cũng từng thấy nhiều gia đình nông dân khác ở Thạch Tân rất nghèo, như gia đình ông Trọng Trác ở thôn Bình Tiến, gia đình ông cháu Đạt ở thôn Nhật Tân, hay thậm chí ngay cả gia đình bà chắt Nhọn... nhưng họ vẫn sẵn sàng nhường nhà, nhường vườn tược đất đai của mình cho bà con sơ tán đến ở; khi bắt được con dam, con cá dưới đồng về họ cũng bớt phần chia sẻ cho bà con sơ tán...

Tuy nhiên, đó là vào những năm 1967 trở về trước. Đến năm 1968 sau khi công trình Thủy nông Bộc Nguyên được nâng cấp đưa vào sử dụng với trữ lượng hơn 20 triệu m3 nước, trực tiếp tưới tiêu qua địa bàn, mặc dù lúc này hầu hết người dân ở đây vẫn còn nghèo nhưng đã tạm thời chấm dứt được nạn thiếu đói. Thậm chí kể từ đó hàng năm địa phương Thạch Tân còn huy động được trên 500 tấn thóc nộp nghĩa vụ nhà nước trên tinh thần thực hiện khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến","Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"...

Ngược lại, giai đoạn này đại đa số bộ phận dân sơ tán đang rất khó khăn vì hoàn toàn sống dựa vào chế độ bao cấp, đặc biệt có gia đình nhiều khi phải đứt bữa như nhà ông cu Nuôi cắt tóc, ông cu Thương xe thồ... được bà con Thạch Tân chia sẻ, giúp đỡ từng bơ gạo, củ khoai...Tôi thề rằng, "sống để dạ, chết mang theo" hình ảnh bà chắt Lân, bà chắt Thông... mỗi khi thu hoặc mùa vụ sản xuất cho hợp tác xã thường cố tình bỏ sót một phần khoai lúa cho dân sơ tán đi mót ở phía sau, trong đó có tôi được nhặt về nhiều hơn.

Mùa gặt ở Tân Lâm Hương

Mùa gặt ở Tân Lâm Hương

Tôi cũng từng chứng kiến những cảnh tượng máy bay Mỹ ném bom xuống Thạch Tân vào những năm chiến tranh làm rất nhiều người chết. Trong đó có cảnh nhà cố Nhu ở xóm Tân Hòa chết 7 người, nhà cố Vượng ở xóm Văn Minh  chết 5 người, nhà cố Viện Bính xóm Tân Triều chết 5 người, hay trận tập kích xuống lán học ở xóm Tân Triều vào ban đêm làm 6 người dân đến ngủ nhờ ở đó bị chết....vào năm 1968.  Ám ảnh nhất là cảnh tượng nhà ông Tự và nhà ông Đường ở xóm Văn Minh bị bom ném vào năm 1972 làm 3 người chết, 2 người khác bị thương kêu gào lên như bò chọc tiết, máu me loang khắp vườn, da thịt bay tung tóe lên tận đọt tre, đến cả mấy ngày sau mới gom được xác! Những lúc như thế không kể ai lại ai, mọi người đều xúm lại tập trung cứu thương, lo hòm vỏ chôn cất, nhanh chóng khắc phục hậu quả...

Theo số liệu thống kê của lịch sử Đảng bộ xã Thạch Tân năm 2019 tổng kết lại cuộc tranh chống Mỹ, địa phương này đã phải hứng chịu 233 trận đánh bom 334 loạt pháo tập kích với 240 tấn bom đạn các loại cũng đủ nói lên sức chịu đựng của con người nơi đây ở thời kì đó khủng khiếp như thế nào!    

Giờ đây, mỗi lần ngược con đường Sông nước trở lại nơi sơ tán lòng tôi cứ bồi hồi, nên càng cố đi thật chậm mà nghe từng nhịp thở tuổi thơ gửi lại dưới từng thớ đất bên đường đang thóc mách bao câu chuyện buồn vui như vừa mới đó, khiến tôi không muốn giẫm lên trên đó sợ phải để đường đau, cỏ buồn!

Thuở ấy trên con đường này với tôi dài bất tận theo ước mơ tuổi học trò vô tư với bạn bè trang lứa. Cũng trên con đường này tôi biết tập đi xe đạp, biết chạy bộ về chợ thị xã ăn kẹo, ăn kem, xem gánh xiếc Phi Sơn Hải biểu diễn và xem ông xẩm mù Thạch Đồng kéo nhị bên góc chợ trời... đến mòn dép, sưng tấy đôi bàn chân!..

Trở lại nơi sơ tán lần này, bạn cũ còn đó, làng xưa còn đây nhưng mọi thứ đã đổi thay quá nhiều. Tuyến đường tránh Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 17, đường Sông nước và hệ thống các trục đường liên xã, liên thôn khác dày đặc như ô lưới đánh cá của bà con sơ tán Vĩnh Linh được rải nhựa và bê tông hóa 100%, hai bên là nhà cửa cao tầng mọc san sát như phố phường.

Đường Sông nước đêm giao thừa

Đường Sông nước đêm giao thừa

Nhắc đến ô lưới đánh cá của bà con sơ tán Vĩnh Linh tôi càng nhớ đến con khe Mưng hay còn gọ là khe Rọt Chó, vì đoạn chảy qua Thạch Tân ngoằn ngoèo như ruột chó. Bình thường nước khe trong vắt, cát trắng mịn như làn da thiếu nữ dậy thì, 2 bên bờ cây mưng (lộc vừng) mọc um tùm, quanh năm chim muông đua nhau về làm tổ, đến mùa hoa mưng nở rụng đỏ cả dòng khe. Đây cũng là nguồn lợi thủy sản bất tận  mà tạo hóa ưu ái cho Thạch Tân. Nhờ vậy, khi sơ tán đến đây, với kinh nghiệm đánh bắt bằng nghề lưới kéo, bà con Vĩnh Linh đã khai thác được rất nhiều tôm, cá...

Con khe này cũng là nơi đám trẻ con như chúng tôi  thường hay rủ nhau đi hái hoa mưng kết thành từng chuỗi đeo vào người đuổi bắt nhau, rồi lội xuống bắt ngao, bắt hến, tập lặn, tập bơi... bởi thế không phải đến bây giờ, và không riêng gì tôi, mà từ lâu người Thạch Tân từng có câu: "Nhớ gì như nhớ Hương Nao/ Nhớ hoa Mưng nở giải đào đung đưa".

Nhớ lại cơn lũ lịch sử sử ập đến Thạch Tân vào năm 2010. Nhìn trên ti vi thấy bà con ở đây phải vật lộn giữa cái sống cái chết kinh hoàng, mẹ tôi đã vận động con cháu và bà con Phật tử quyên góp gạo, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết chèo thuyền băng trên khe Mưng đến hỗ trợ kịp thời một số gia đình trong lúc hoạn nạn.

Sau đó được 2 năm thì mẹ tôi qua đời, nhưng tôi tin bà ra đi thanh thản bởi trước lúc vãng sanh bà đã làm trọn bổn phận của mình với vùng quê sơ tán ấy. Chỉ có tôi mới cảm thấy lòng mình cứ ray rứt mãi chưa nguôi khi chưa kịp chăm cho mẹ một lát giò nạc trên giường bệnh như mẹ tôi đã đút cho tôi ăn lúc còn ở nhờ trong nhà bà chắt Lân từ buổi đầu đi sơ tán.  

Thạch Tân nay là xã Tân Lâm Hương, trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Thạch Tân, Thạch Lâm và Thạch Hương của huyện Thạch Hà vào ngày 21/11/2019  với  diện tích 20,59 km², dân số gần 18.000 người, là một trong những địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh cán đích nông thôn mới, hiện đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và tiến tới đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.  

Nhờ địa hình nằm sát thành phố Hà Tĩnh về hướng Tây với nhiều lợi thế về giao thông, thị trường, quỹ đất đai và nguồn lực lao động... Tân Lâm Hương cũng đang từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo xu thế công nghiệp, dịch vụ... Trước mắt xã đang triển khai các chính sách thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương ... Đến nay đã có 24 doanh nghiệp kinh doanh, thương mại đóng trên địa bàn, trong đó có Nhà máy bia Sài Gòn và Công ty TNHHTM&DVVT Viết Hải là 2 doanh nghiệp lớn, hàng năm nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng...

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương phấn khởi cho biết: "Hiện địa phương đang quy hoạch hạ tầng xây dựng khu dân cư theo định hướng đô thị; triển khai Dự án đường Hương Mỹ Triều dài 2,2km với số vốn đầu tư khoảng 46 tỷ đồng để mở khu công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh; triển khai dự án làm 2 tuyến đường và xây kè 2 bên bờ sông Ngàn Mọ với số vốn đầu tư 26 tỷ đồng..."

Tuy nhiên, bên cạnh những đổi thay có được vùng quê này đang bị ảnh hưởng rất lớn, bởi vội vàng đốt cháy giai đoạn thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, thi nhau chặt phá vườn tược nhưng không tái tạo cây xanh vô hình dung làm xáo trộn môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó là cả một quá trình quản lí lỏng lẻo khiến quỹ đất đai ngày càng bị thu hẹp cắt xẻo tùm lum. Đặc biệt, gần đây một số đơn vị đấu giá, đấu thầu và bọn cò mồi đất từ khắp nơi đến thổi giá đất vùn vụt, khiến nhiều người dân địa phương chạy đua theo vòng quay bất động sản phải ôm hận vì nợ nần; một số bộ phận con em khác của địa phương có nhu cầu mua đất ở thì không tài nào đua tranh được với thị trường ảo nên đành chịu cảnh ở thuê, ở mướn nay trên chính quê hương mình.  

Quay lại quá trình hình thành và phát triển tên hành chính xã Thạch Tân được tồn tại vừa đúng 65 năm kể từ ngày khai sinh vào tháng 2, năm 1954, trên cơ sở tách khỏi xã Thăng Bình cũ thành 3 xã: Thạch Tân, Thạch Bình và Thạch Hòa, thuộc huyện Thạch Hà cũ.

Trong suốt 65 năm ấy không biết bao nhiêu biến cố, đổi thay đã từng diễn ra trên mảnh đất thương yêu này? Nhưng tôi là kẻ may mắn được gửi gắm trọn vẹn mười năm tuổi thơ của mình ở đó để kịp viết lên những dòng lý lịch đẹp đẽ nhất trong cuộc đời!

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh