CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:27

Người thương binh làm rạng danh làng nghề kềm cắt móng

 

Cũng giống như bao thương binh, bệnh binh khác, khi rời quân ngũ trở về quê hương vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông Lê Nhật Thâu gặp vô vàn khó khăn trong đời thường. Hơn nữa, khi tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia trở về, anh bị mất một cánh tay và một số vết thương khác, với thương tật 2/4. Cổ nhân nói: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, câu nói ấy như vận vào số phận anh. Nhiều đêm ông trăn trở để tìm cho mình một hướng đi trong sự dấn thân lập nghiệp.

                                                

Chỉ còn một cánh tay lành lặn, nhưng mọi thao tác của ông Lê Nhật Thâu trong các công đoạn mài, giũa trên máy đều chính xác, tỷ mẩn, điêu luyện để cho ra những sản phẩm chất lượng sắc bén

 

Nhưng rồi số phận cũng đã mỉn cười với ông, từ khi ông bén duyên và  kết hôn với bà Võ Thị Bé Bảy, người con gái thứ bảy của ông tổ nghề kềm cắt móng Tư Bảo, cùng ở ấp Chợ. Khi đã trở thành con rể của ông Tư Bảo, nghe theo lời khuyên của nhạc phụ và Vợ, ông đã quyết tâm theo đuổi học bằng được nghề làm kềm để lập nghiệp mưu sinh. Tuy nhiên, vì thương tật đã mất đi một cánh tay, nên quá trình học nghề cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Bởi cái nghề làm kềm thời đó chủ yếu làm thủ công bằng tay, với nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo tỷ mẩn, kiên nhẫn như mài, giũa…Những công đoạn cơ bản để tạo ra một cây kềm chất lượng sắc bén ấy, chỉ thao tác với một bàn tay còn lại thì cực kỳ gian khó. Bằng sự say mê và ý chí kiên định ấy, chỉ một thời gian ngắn ông đã trở thành một người thợ làm kềm cắt móng giỏi tay nghề ở ấp Chợ.                                                                                         

Ngoài việc mua thêm nhiều máy móc hiện đại sản xuất tại cơ sở, từ 2005 ông Lê Nhật Thâu còn liên kết với Công ty Kềm Nghĩa ở TP Hồ Chí Minh để gia công, tăng thêm thu nhập cho người lao động

 

Năm 1989, sau một thời gian học nghề và làm thuê cho gia đình bên Vợ tích lũy được kinh nghiệm, với số tiền vay được 2 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Giồng Trôm, ông xin phép nhạc phụ tự lập cơ sở riêng tại nhà mình. Những ngày đầu cơ sở mới đi vào hoạt động, ông chỉ nhận vài công nhân làm phụ, với công việc chủ yếu là nhận gia công những công đoạn đơn giản của sản phẩm. Do có tay nghề giỏi, nên cơ sở của ông cũng nhanh chóng tạo được uy tín, công việc rất thuận buồm xuôi gió, với khá nhiều đơn đặt hàng.

 

Hiện nay hầu hết các công đoạn sản xuất tại cơ sở của ông Lê Nhật Thâu đều được trang bị máy móc hiện đại, đảm bảo cho ra những sản phẩm chất lượng cao

 

Để đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm cho khách hàng, ông từng bước đầu tư mở rộng quy mô lên 10 máy gia công tại cơ sở, đồng thời nhận thêm phôi sắt giao cho các cơ sở khác gia công thêm. Bằng cách làm năng động và nhạy bén với thị trường, từ năm 2005 ông đã mạnh dạn bắt tay liên kết với Công ty Kềm Nghĩa (một thương hiệu uy tín về sản phẩm kềm cắt móng) ở TP.Hồ Chí Minh để gia công. Được biết trong những năm qua, bình quân mỗi tháng cơ sở ông gia công cho Công ty Kềm Nghĩa khoảng 160.000 sản phẩm kềm cắt móng các loại.

 

Bà Võ Thị Bé Bảy (thứ 2 từ từ trái qua) vợ ông Lê Nhật Thâu đang kiểm tra chất lượng và đánh bóng sản phẩm trước khi đóng gói

 

 Hiện nay, với việc mở rộng quy mô và đổi mới quy trình sản xuất bằng máy móc hiện đại, riêng cơ sở của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho hơn 50 lao động ở địa phương, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình ông, mỗi tháng sau khi trừ mọi chi phí, còn có lãi trên 20 triệu đồng/tháng. Nhiều người cho biết, nhờ cơ sở của ông giao gia công một số công đoạn kềm cắt móng, mà gia đình họ có thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đáng kể về kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

 

Bộ sản phẩm kềm cắt móng do cơ sở ông Lê Nhật Thâu sản xuất đã và đang trở thành một thương hiệu có uy tín được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng đặt hàng ngày một tăng về số lượng

 

Từ năm 2012, ông Lê Nhựt Thâu đứng ra vận động các hộ làm nghề kềm cắt móng trong xã Mỹ Thạnh liên kết lại thành lập hợp tác xã, để sản xuất ra số lượng sản phẩm lớn hơn, tạo nên sức mạnh của làng nghề và mở rộng thị trường. Nhờ đó mà sản phẩm của làng nghề kềm cắt móng Mỹ Thạnh đã trở thành một thương hiệu có uy tín, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng đặt hàng, với số lượng ngày càng nhiều, đời sống của các thành viên của hợp tác xã được nâng cao.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh