THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:46

Trịnh Xuân Thanh từng thoát tội

 

Từ năm 2009 - 2012, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng CTCP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh và nhiều thuộc cấp đã để xảy ra sai phạm dẫn đến thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng.

Trong vụ sai phạm xảy ra tại CTCP thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME, doanh nghiệp được Trịnh Xuân Thanh và các thành viên thành lập năm 2009), cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 15 bị can liên quan, trong đó có 13 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ của PVC-ME về các tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 11/8/2015, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME. Đến đầu tháng 2/2016, vụ án được TAND tối cao TP. Hà Nội xử phúc thẩm. Trong vụ án này có 13 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái thì có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME.

 

Ảnh cắt từ hình tối 3/8, trong bản tin phát trên chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

 

Thời kỳ điều hành PVC, Trịnh Xuân Thanh từng bị cấp dưới khai trước tòa đã chỉ đạo bán rẻ cổ phần với giá chênh lệch hàng chục tỉ đồng, bỏ túi riêng. Cụ thể, từ năm 2010, do khó khăn về tài chính để triển khai một số dự án, trong đó có dự án Nam Đàn Plaza (của CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương - PVP Land chiếm hơn 50% cổ phần) nên PVP Land (PVC có gần 50% cổ phần tại đây và cử ông Đào Duy Phong làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Ngọc Sinh làm Tổng giám đốc) chủ trương thoái vốn. Thông qua môi giới, Lê Hòa Bình đã tiếp xúc với các cổ đông sáng lập đề nghị mua lại toàn bộ cổ phần của CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương. Các bên đã thống nhất hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng/CP, tổng giá trị hơn 498 tỉ đồng, nếu quy đổi theo diện tích dự án Nam Đàn Plaza thì tương đương 52 triệu đồng/m2. Riêng việc mua lại cổ phần CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương từ PVP Land, giá thỏa thuận là 40 triệu đồng/m2, nhưng giá chuyển nhượng thể hiện trong hợp đồng chỉ là 13.700 đồng/CP, tương đương 34 triệu đồng/m2.

Sau khi bị khởi tố, Đào Duy Phong khai đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh, theo đó giá bán trên thực tế là 40 triệu đồng/m2 còn trên hợp đồng là 35 triệu đồng/m2; phần chênh lệch 5 triệu đồng/m2 rút ra chia nhau. Từ chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong đã báo lại cho Nguyễn Ngọc Sinh, Tổng giám đốc PVP Land biết để triển khai thực hiện.

Đào Duy Phong bị TAND tuyên phạt 6 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố lại, các cơ quan tố tụng cho rằng không tìm thấy dấu hiệu Nguyễn Ngọc Sinh ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá rẻ nhằm mục đích chia nhau nên tháng 6/2012, Viện KSND tối cao đã đình chỉ điều tra đối với bị can này. Việc Nguyễn Ngọc Sinh được đình chỉ điều tra dẫn đến lời khai trước đây liên quan đến Trịnh Xuân Thanh không còn giá trị.

Tháng 9/2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử do một số bị cáo trong vụ án kháng cáo. Kết quả, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại bởi “Tòa sơ thẩm đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng mà tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục và bổ sung được”.

HĐXX tòa phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm đã cơ bản xét xử đúng người, đúng tội với nhóm bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng nhóm bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn là chưa đúng và chưa đầy đủ.

Đến tháng 3/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án này đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội tham ô tài sản liên quan đến hành vi của Trịnh Xuân Thanh cùng với 6 người khác, trong đó có Nguyễn Ngọc Sinh là người đã từng được đình chỉ điều tra.

Để đưa ra quyết định khởi tố trên, HĐXX tòa cấp cao tại Hà Nội đã căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại tòa và hồ sơ vụ án: “Có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông để hưởng khoản tiền chênh lệch”, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.

Sau một thời gian bỏ trốn, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và quốc tế, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã về đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an). Tối 3/8, trong bản tin phát trên chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Trịnh Xuân Thanh viết trong đơn tự thú: “Tôi thấy lo sợ về kết luận vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình và bạn bè, tôi đã về Việt Nam và đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

TẤN PHONG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh