Trịnh Công Sơn và ám ảnh chiến tranh
- Văn hóa - Giải trí
- 13:09 - 01/05/2016
Những giai điệu vút lên từ tâm can máu huyết
Càng lắng nghe nhạc Trịnh, người nghe càng thấy rõ “Một trong những ám ảnh lớn nhất của Trịnh Công Sơn là ám ảnh về chiến tranh và về cái chết của con người trong cuộc chiến. Chắc không có một nhạc sĩ nào trên thế giới đã diễn tả những điều này đậm nét, da diết và đau đớn hơn ông”, đó là nhận định của nhà phê bình âm nhạc Bùi Vĩnh Phúc.
Nhiều bài hát đầu tay của Trịnh Công Sơn đã vang lên tiếng rên xiết của những cơn đau oằn, những vùng thịt xương vỡ nát, cả những ngớ ngẩn, ngu ngơ của người rối nhiễu tâm thần trước sự đau thương, mất mát người thân do chiến tranh: “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con / Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh/ Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người/ Tôi đã thấy, tôi đã thấy/Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá”. - “Hát trên những xác người”. Bài hát này, Trịnh Công Sơn sáng tác khi chứng kiến cảnh một bà mẹ quá đau lòng với cái chết của con, dẫn đến mất trí. Bà cứ đi sau quan tài đứa con của mình, vừa vỗ tay, vừa cười, vừa khóc. Và, ông chứng kiến cả người cha già ôm xác con lạnh giá với đôi mắt vô hồn tại Bãi Dâu - một địa danh ở phía Đông TP. Huế, gần bờ biển trong cuộc thảm sát đồng bào tại Huế, Tết Mậu Thân 1968.
Người nhạc sĩ tài ba ấy đã đau khi chứng kiến gia tài của mẹ chỉ còn là “Một nước Việt buồn” với “Một rừng xương khô, một núi đầy mồ, nhà cháy từng hàng...” sau một ngàn năm dân tộc bị “Nô lệ giặc Tàu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày”... Đó là nỗi đau thấy “Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng / Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co/ Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa /Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu”. - “Bài ca dành cho những xác người”, Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1968. Đó còn là hình ảnh người con gái Việt Nam da vàng đi trong đêm đen rách nát: “Người con gái chợt ôm tim mình/trên da thơm vết máu loang dần.../ Yêu quê hương nay đã không còn/ Ôi cái chết đau thương vô tình/ Ôi đất nước u mê ngàn năm”...
Ca sĩ Hồng Ngọc trình bày ca khúc của Trịnh Công Sơn tại phòng trà Ân Nam.
Vẫn là những hình ảnh chiến tranh và cái chết đau thương được Trịnh Công Sơn đưa vào hàng loạt ca khúc, trong đó có “Xin mặt trời ngủ yên”: “Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè/Ngựa hồng đã mỏi vó/Chết trên đồi quê hương/Còn có ai, không còn người/ Ôi nhân loại mặt trời và em thôi/Này đôi môi xin thương người/ Ôi nhân loại mặt trời trong tôi”. Người nhạc sĩ ấy đã xót xa khi chứng kiến hình ảnh: "Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn/ Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn/ Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân... - “Ca dao mẹ”.
Rồi, từ một hiện thực vừa mới xảy ra trong thành phố cũng khiến trái tim người nhạc sĩ quặn đau: "Ghế đá công viên dời ra đường phố./ Người già co ro chiều thiu thiu ngủ./ Người già co ro buồn nghe tiếng nổ/ Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi...” - “Người già em bé”. Hay với “Phúc âm buồn”, “Nước mắt cho quê hương” v.v... tất cả đều bộc lộ để người nghe hiểu rằng, ám ảnh chiến tranh hình thành nên một sự lo âu thường trực ở người Trịnh Công Sơn.
Với người nhạc sĩ, khi đó, những ước mơ thanh bình chỉ còn lại như ngọn nến giữa cơn giông bão: “Đêm đêm mơ thấy nụ cười/Nở trên môi, trên mắt mọi người/ Lúc tỉnh ra thấy lại/ Xác người bên xác người”. “Như một tiếng thở dài”; hòa bình là phải chờ đợi trong vô hạn: “Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu/ Chờ hòa bình đến/ Chờ tiếng bom im/ Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ”. “Chờ nhìn quê hương sáng chói”.
Khán giả nghe nhạc Trịnh tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh.
Cũng dễ hiểu, bởi nỗi đau và cả sự vô vọng bất chợt đến ở Trịnh Công Sơn, do “Thời thơ ấu, trong giấc ngủ hàng đêm tôi thường thấy cái chết của ba tôi. Nỗi ám ảnh ấy chắc hẳn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ cái chết của tổ tiên, mà có lẽ từ những năm tù tra tấn chết đi sống lại của ba tôi trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp 1940… Và ba tôi mất khi tôi mới vừa tròn 15 tuổi” (Trích “Nỗi ám ảnh thời thơ ấu” trang 133, quyển Trịnh Công Sơn Tôi Là Ai…Là Ai.. Nhà Xuất bản trẻ, 2011).
Nỗi ám ảnh không nguôi
Nguồn cảm xúc từ thực tại của những cảnh tan xương, máu đổ, những nỗi đau không bù đắp được do chiến tranh mang lại đã giúp Trịnh Công Sơn cho ra đời những bức tranh âm nhạc siêu thực, ám ảnh mãi đối với cả người hát, người nghe. Lời bài hát của Trịnh như một sợi dây vô hình, nhanh chóng nối kết những tâm trạng riêng, những số phận riêng của người dân Việt Nam, đang vẫy vùng trong một cảnh sống đầy mất mát, tang tóc của cuộc chiến tranh.
Với lời ca đậm chất hiện thực, rất đơn sơ, trần trụi (khác hẳn với dòng nhạc tình), trở nên những bài hát gây xúc động mạnh mẽ. Chính những điều ấy đã làm cho danh tiếng của Trịnh Công Sơn lan ra thế giới: Ông được nhận một Đĩa Vàng (giải thưởng âm nhạc) tại Nhật và có tên trong tự điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp… “Tất cả những ám ảnh của ông đã ảnh hưởng lớn đến công chúng nhất là giới trí thức, học sinh - sinh viên trước năm 1975 và tuổi trẻ hôm nay. Cũng có thể mãi đến ngày sau” , Nguyễn Trí Hữu, sinh viên trường Đại học Sài Gòn, khoa Nhạc Viện, nói.
Anh Võ Thanh Tùng - thính giả tại quán cà phê Sài Gòn phố (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) phân tích: “Trịnh Công Sơn đã cho tôi biết chiến tranh đau thương qua từng câu chữ, qua những bản tình ca. Càng nghe em càng hiểu đó là tất cả những gì cảm xúc của ông, tất cả những gì vang vọng trong tâm khảm của ông từ một thực tế. Ông nói lên hết niềm xúc động sâu xa của mình đối với thời thế một cách trung thực và chân thành…”.
“Người nằm co như loài thú khi mùa đông về/ Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình/Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm...” (Phúc âm buồn). Tiếng hát của ca sĩ Hồng Ngọc vang vọng trong phòng trà Ân Nam (TP. Hồ Chí Minh) đã khiến khán giả không kìm nén được cảm xúc.
Bà Phạm Thu Nhan, 56 tuổi, người từng chung nỗi đau từ cuộc chiến tranh, cũng là một khán giả suốt bao năm qua bị mê hoặc bởi nhạc Trịnh, tâm sự: “Ở miền Nam lúc bấy giờ, cường độ của cuộc chiến càng lúc càng gia tăng. Chiến tranh lan tràn khắp nơi một cách khốc liệt. Năm 1968, khắp miền Nam đã trở thành bãi chiến trường. Sau đó nhiều năm, người dân Sài Gòn và cả miền Nam vẫn tiếp tục chịu đựng những cuộc nổ mìn, những trận pháo kích gây thương vong không ít. Ngày ngày không dứt tiếng súng, tiếng bom; hằng đêm trong ánh hỏa châu vàng vọt ghê rợn, chúng tôi nín thở, nơm nớp đợi chờ những điều không may có thể xảy ra với mình và người thân. Mỗi ngày, từ chiến tuyến, những chiếc quan tài phủ cờ được đưa về thành phố, trên đầu những trẻ mồ côi, khăn tang cứ bay như phướn… Có sống trong những ngày tháng đó mới thấm thía hơn sự ám ảnh về chiến tranh của Trịnh Công Sơn. Và chắc chắn, qua những ca khúc ông để lại, thế hệ trẻ sẽ biết trân trọng hòa bình và phấn đấu cho tương lai của dân tộc”.
Những ca khúc mang tính chất ám ảnh cuộc chiến của Trịnh Công Sơn vẫn còn trong ý nghĩa của tiếng nói lương tâm và nhân ái. Qua tác phẩm của mình, chưa từng ai nói đến lương tâm và lòng nhân ái đậm đà như ông. Tiếng nói này còn phải luôn luôn được tôn trọng trước khi ta bắt tay vào một công việc, nhất là khi công việc đó sẽ có ảnh hưởng trên hàng vạn, hàng triệu sinh linh.