THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 12:54

Triển lãm ảnh “Nơi tôi gọi là nhà”

 

 

Như  là câu chuyện đầy cảm động của một phụ nữ di cư là mẹ của 3 đứa con. "Nhớ con lắm, nhất là đứa út. Mỗi lần về thăm nhà, lúc đi nó cứ bảo mẹ đừng đi, ở nhà với con. Lúc đó khóc mà không dám cho nó nhìn thấy, bảo với nó là mẹ chỉ đi có một lúc thôi rồi sẽ về". Người phụ nữ này đã ra Hà Nội kiếm sống bằng gánh tào phớ từ năm 1992. Trước khi ra Hà Nội, chị và chồng mình đã nuôi cá lồng nhưng công việc không hiệu quả và họ dính vào nợ nần.

Hay chuyện về một người đàn ông vừa làm cha vừa làm mẹ. "Ba bố con ngủ chung một giường. Nhiều đêm tỉnh dậy thấy đứa lớn ngồi khóc, hỏi sao chưa ngủ mà lại ngồi khóc, nó bảo nhớ mẹ, bố mang mẹ về đi. Lúc đó chỉ  ôm nó và bảo thôi ngủ đi, mẹ sắp về chơi rồi". Hai vợ chồng anh chị bàn nhau, chị quyết định đi làm công ty xa nhà, còn anh ở nhà vừa trông con, vừa làm thêm các công việc phu hồ, như vậy thì cả hai anh chị cùng đi làm sẽ có được nhiều tiền hơn cho con ăn học.

Việt Nam đã và đang trải qua quá trình di cư trong nước một cách nhanh chóng qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây. Trong vòng 5 năm qua, có khoảng 12,4 triệu người trong tổng dân số 91 triệu dân - chiếm khoảng 14% tổng dân số Việt Nam là người di cư trong nước.

 

 

Phát biểu tại triển lãm, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định: Người di cư là động lực then chốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và sự đóng góp của họ cần phải được ghi nhận. Chúng ta đều biết rằng nhờ có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm một cách đáng kể. Di cư rõ ràng là một trong những nền tảng giúp Việt Nam giảm nghèo kể từ đầu những năm 1990. Người di cư đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế gần 7% mỗi năm của Việt Nam. Di cư mang lại nhiều lợi ích: công việc của người di cư không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và địa phương, mà còn mang lại lợi ích cho bản thân người di cư và gia đình họ.

Nhiều người di cư dễ bị tổn thương và phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong cuộc sống. Gần một nửa người di cư là nữ và phần lớn đang ở độ tuổi sinh đẻ. Họ có những nhu cầu cụ thể và những quan ngại về quyền con người.  Gia đình của người di cư ở lại địa phương cũng phải đối mặt với việc thiếu đi các thành viên trong gia đình. Cấu trúc gia đình thay đổi, người chủ hộ gia đình gặp phải nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu về kinh tế, sức khỏe, tình cảm và giáo dục của mỗi thành viên trong gia đình. Khi trong gia đình có một người phải đi xa thì vai trò, trách nhiệm và sự ra quyết định trong gia đình cũng thay đổi và thường tạo ra áp lực và khủng hoảng cho người ở lại.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê nói: “Các bộ ảnh cho chúng ta thấy cuộc sống của người di cư, họ đã vượt lên số phận như thế nào qua những câu chuyện này. Họ đã di cư vì mưu sinh, vì theo đuổi học vấn, cơ hội phát triển nghề nghiệp, vì tương lai, học hành của con cái, họ đã gặp khó khăn, đã đối diện với cuộc sống không mấy dễ dàng ở nơi đến và họ đã vượt lên số phận".

Tiếng nói của người di cư trong triển lãm ảnh này sẽ được mang tới Hội nghị công bố kết quả điều tra di cư nội địa năm 2015 của Việt Nam. Bà Astrid Bant nói thêm: "Tôi hy vọng rằng triển lãm ảnh này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về người di cư, từ đó có những đóng góp giúp cải thiện cuộc sống của người di cư ở Việt Nam. Hầu như mỗi ngày chúng ta đều gặp gỡ và được hưởng lợi từ các công việc của người di cư tại Hà Nội. Họ có thể là những người công nhân lắp ráp những chiếc xe máy hay ô tô mà chúng ta vẫn đi hàng ngày, là những người thợ nề xây dựng các ngôi nhà và văn phòng làm việc của chúng ta, là những người làm phần mềm vi tính. Họ cũng có thể là những người bán hàng rong trên phố, bán hoa và đồ ăn mà chúng ta vẫn mua hàng ngày. Họ xứng đáng được xã hội công nhận và hỗ trợ".

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh