CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

Sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức: Giáo viên lo lắng!

 

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định (ngày 12/5), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”.

Khó lòng chuyên tâm giảng dạy…

Cô Lý Thị Mỹ Linh (giáo viên trường THCS Quang Trung, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ: "Những người giáo viên rất trông chờ được biên chế. Điều này cũng phần nào tạo sự ổn định giúp thầy cô chuyên tâm vào sự nghiệp trồng người. Lợi ích của biên chế còn có thêm các chế độ khác như thâm niên, lương hưu; nếu là lao động hợp đồng thì không có hỗ trợ thâm niên.

Hơn nữa, có những thầy cô cống hiến cả tuổi thanh xuân vì nghề, nếu đến độ tuổi trung niên đột nhiên vì lí do nào đó bị cắt hợp đồng thì rất khó tìm việc khác..."

Theo cô Linh, chủ trương bỏ biên chế giáo dục có mặt tích cực là tạo khoảng trống để nhân tài có cơ hội vào ngành, tránh tính trạng người tài thi biên chế nhưng không dễ gì được vào vì "con ông cháu cha" chiếm hết phần.

Tuy nhiên, nữ giáo viên này tâm sự thật lòng rằng, “vẫn muốn giữ nguyên chế độ công chức, viên chức như cũ đối với giáo viên kèm theo điều kiện siết chặt và minh bạch việc thi vào công chức để đảm bảo chọn đúng người tài”.

 

Các thầy cô giáo lo lắng trước thông tin Bộ sẽ bỏ biên chế giáo viên.

 

Thầy Lê Nhật Tiến (giáo viên Trường Tiểu học – THCS Hòn Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho rằng, trong khi bộ máy giáo viên cả nước ngày càng “phình to” thì bỏ biên chế có thể là một giải pháp. Tuy nhiên, thầy Tiến nhận định, ở thời điểm hiện tại nếu áp dụng sẽ rất bất cập.

“Bản thân tôi là một giáo viên và tôi không đồng tình”, thầy Lê Nhật Tiến thẳng thắn. Theo thầy Tiến, người trong ngành mới thấu hiểu đồng lương của nhà giáo: “Giáo viên thành phố nói là cấm dạy thêm nhưng họ vẫn có cách để kiếm thêm thu nhập ngoài. Những giáo viên nơi hải đảo như chúng tôi, đồng lương thấp thì không thể nào lo cho cuộc sống gia đình”.

“Ở hải đảo, cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng yêu cầu, có nơi điện còn chưa có, chưa đủ dùng… Nếu Bộ tiến hành bỏ biên chế thì có tăng lương cho giáo viên hay không? Đồng lương giáo viên đủ nuôi sống gia đình thì thầy cô mới quên đi bộn bề “cơm áo gạo tiền” để hết lòng cống hiến được.

Trong điều kiện lương giáo viên còn thấp, những người yêu và chọn theo nghề cũng đã chấp nhận thiệt thòi ở góc độ nào đó so với các ngành nghề khác để đạt sự ổn định tương đối… Nếu lương chưa tăng mà áp dụng việc xóa biên chế thì liệu còn mấy ai yêu nghề?”, thầy Tiến chia sẻ.

Lo ngại tiêu cực

Thầy Lê Đăng Tùng (giáo viên trường THCS Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) rất ủng hộ tinh thần của chủ trương bỏ biên chế. Theo thầy Tùng, chế độ công chức trước nay cũng là một “tảng đá” làm chậm phát triển chất lượng giáo dục. Bởi lẽ, một số giáo viên được biên chế rồi thì có tâm lý an toàn, làm việc cầm chừng “tối ngày đầy công”… Xóa bỏ công chức đòi hỏi giáo viên phải làm thật, tuân theo quy luật đào thải để phát triển.

“Trong môi trường giáo dục, đa phần thầy cô thực sự muốn có sự yên ổn để sống với nghề. Những người thiên về hướng “ăn chắc mặc bền” có lẽ không bao giờ ủng hộ chủ trương bỏ biên chế. Tuy nhiên, theo tôi cuối cùng ngành giáo dục cũng phải đi theo hướng thị trường, tăng cường chất lượng”.

Ủng hộ là vậy nhưng thầy giáo trẻ cũng lo ngại bất cập nếu chủ trương mới được thực hiện mà không đi kèm các thay đổi hợp lý về cơ chế tài chính, thưởng phạt, xếp loại, đánh giá công tâm.

“Mạo hiểm của chủ trương mới nằm ở chỗ trao quyền cho lãnh đạo nhà trường. Nếu thực hiện nửa vời, chưa chuẩn bị đủ điều kiện rất dễ nảy sinh tiêu cực, đơn cử trong công tác tuyển dụng”.

Do vậy, thầy Tùng đề xuất trước khi áp dụng chủ trương mới thì Bộ cần thanh lọc năng lực đội ngũ quản lý, xử lý “gọn gàng” bộ máy lãnh đạo quản lý, từ đó áp dụng chủ trương mới xuống bộ máy giáo viên. Có vậy mới tránh được tiêu cực.

 

Nhiều giáo viên lo ngại việc bỏ biên chế dễ nảy sinh bất cập, tiêu cực.

 

“Không yên tâm” là tâm trạng của cô giáo Lê Huyền Trang (giáo viên trường Tiểu học Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khi nói về chủ trương bỏ biên chế giáo viên.

“Nhìn chung mình thấy đề án có mặt tích cực là tạo sự cạnh tranh, tạo động lực phát triển. Nhưng mình thật sự chưa yên tâm về việc ứng dụng nó trong bối cảnh này. Nếu đưa vào hiện nay nhiều khả năng sẽ bất cập nhiều hơn”, cô Lê Huyền Trang chia sẻ.

Lý giải về quan điểm của mình, cô Trang cho rằng: Chủ trương mới có thể hạn chế tiêu cực trong chạy thi công chức, viên chức nhưng cũng dễ phát sinh việc chạy xin hợp đồng dài hạn. Khi xin tuyển như vậy, rất có thể chính những con ông cháu cha mới là những người dễ xin việc.

“Mình thật sự lo ngại về việc ai sẽ là người tuyển giáo viên hợp đồng? Và ai sẽ là người được quyền đuổi việc giáo viên? Việc đánh giá năng lực một giáo viên thật sự không đơn giản và không được phép cảm tính. Nếu đặt toàn bộ vào bàn tay của một người thì khó khách quan được.

Thêm nữa, khi người giáo viên đi làm mà luôn nơm nớp lo sợ (không hẳn là do năng lực yếu kém) thì liệu có yên tâm công tác không?”, cô Trang đặt câu hỏi.

Điều cuối cùng, nữ giáo viên này cho rằng, giáo dục là một ngành nghề đặc thù. “Người thầy chứ không phải là nhân viên kinh doanh. Hãy để thầy cô có chút uy nghiêm trước học trò chứ không phải là người đi làm thuê đơn thuần. Thay vì cách đổi hết sang hợp đồng ta vẫn có cách khác. Sao không tìm mọi cách tổ chức kì thi công chức viên chức thật minh bạch? Sao không có đãi ngộ giáo viên mức lương tương xứng?

Thay vì chỉ là hợp đồng, thì cứ 5 năm chẳng hạn lại có 1 kì thi sát hạch năng lực giáo viên thật công bằng để tăng mức lương hoặc hạ mức lương với ai chưa đạt. Thầy giáo lớp đại học của mình đã từng nói về việc sát hạch này một số nước cũng làm. Mình thấy Hàn Quốc họ vẫn có giáo viên là công chức chứ không phải đổi hết sang hợp đồng".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh