Triển khai hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:24 - 05/05/2018
Tham dự cuộc họp có TS Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các đơn vị Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Nhà giáo, Vụ Kỹ năng nghề, Cục Kiểm định Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và Văn phòng; Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bà Joanna Wood – Tham tán Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.
Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Bà Joanna Wood cho biết, Chính phủ Úc vui mừng và đánh giá cao Bản MOU. Biên bản là khung nội dung quan trọng để triển khai thực hiện một cách cụ thể các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Chính phủ Úc sẽ luôn lắng nghe những chia sẻ và nội dung đề xuất triển khai thực hiện Bản ghi nhớ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả MOU. Một trong những nội dung quan trọng là việc thành lập Hội đồng ngành tại Việt Nam để giúp cho việc phát triển các tiêu chuẩn nghề nghiệp từ đó đảm bảo đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại cuộc họp
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng kế hoạch về triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp hôm nay và những cuộc họp tiếp theo giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam sẽ làm cơ sở để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ từ nay đến năm 2021. Ông Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cần có những đề xuất triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ mang tính ưu tiên theo bốn nội dung hợp tác: Chính sách, quản trị và kiểm định chất lượng; Đội ngũ nhân sự có chất lượng và giáo trình; Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Giao lưu trao đổi sinh viên, học bổng giữa hai nước.
Bà Joanna Wood – Tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp
TS Trương Anh Dũng cho biết ngay sau khi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai một số hoạt động tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như: Tổ chức Tọa đàm Giao lưu với các đại sứ nghề của Úc, tổ chức Hội nghị về nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp với sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của Úc,... Phó Tổng Cục trưởng đề nghị cả hai bên cần có những kế hoạch triển khai cụ thể biên bản ghi nhớ và khớp nối với nhau, trong đó xác định các hoạt động hợp tác ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến về việc thành lập Hội đồng ngành Du lịch tại Việt Nam. Bà Joanna Wood cho rằng, cần có sự thống nhất về mặt chính sách và chia sẻ kinh nghiệm từ các thành viên ban tư vấn ngành Logistics để xây dựng Hội đồng ngành Du lịch. Tại Úc, mô hình hội đồng ngành được xây dựng để phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề trên cơ sở đề xuất từ các ngành, lĩnh vực kinh tế.
Ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng- Tổng cục Du lịch chia sẻ, hiện nay Tổng cục Du lịch có hội đồng tư vấn ngành Du lịch có vai trò quan trọng và hữu ích cho sự phát triển ngành Du lịch. Ông Vũ Quốc Trí cho rằng mô hình Hội đồng ngành của Úc rất tốt. Để áp dụng mô hình này tại Việt Nam cần có nghiên cứu và lộ trình từng bước cụ thể.
Các đại biểu tại cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết, tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong ba giải pháp đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Việc xây dựng một cơ quan để kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, chương trình đào tạo,... là cần thiết. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề nghị Úc hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình này tại Việt Nam.