THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:03

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân bị mua bán

Tuyên truyền cho người dân về phòng chống tội phạm mua bán người.

Tuyên truyền cho người dân về phòng chống tội phạm mua bán người.

Lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội

Những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam diễn biến phức tạp; xuất hiện ở cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó, mua bán người ra nước ngoài chiếm 85% (Trung Quốc 75%, Lào và Căm-pu-chia 11%, còn lại sang Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Nga…); qua đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam không chỉ là điểm đi (xuất phát) hay đích đến mà còn là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người sang nước thứ ba.

Qua báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an trong quý I/2023, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Toàn quốc phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 118 nạn nhân bị mua bán. Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều “quái chiêu” mới của tội phạm mua bán người...

Trong quý I/2023, lực lượng Cảnh sát hình sự đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động nắm chắc tình hình tội phạm mua bán người, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi trong nội địa và ra nước ngoài.

Toàn quốc phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 118 nạn nhân bị mua bán. Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự xác lập mới 2 chuyên án đấu tranh với đường dây tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người xảy ra tại Tuyên Quang và các địa phương có liên quan; chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán người dưới 16 tuổi.

Đã điều tra, khám phá chuyên án triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người (thận) do đối tượng Đường Khắc Nghĩa (SN 1987, trú tại Thái Bình) và đồng bọn thực hiện tại địa bàn TP Hà Nội và các địa phương phía Bắc. Kết quả, bắt 5 đối tượng…

Cùng với đó, công an các địa phương đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người và các hành vi phạm tội khác có liên quan đến mua bán người. 

Cái giá phải trả cho những kẻ mua bán người

Cái giá phải trả cho những kẻ mua bán người

Những nỗ lực bảo vệ nạn nhân mua bán người

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân bị mua bán và giảm thiểu hậu quả, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Công tác hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định cụ thể quyền của nạn nhân; Nghị định 09/2013/NĐ-CP và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ… tạo hành lang pháp lý giúp cho việc bảo vệ nạn nhân ở mức độ tốt nhất.

Cụ thể: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ văn hoá, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Từ năm 2012 đến nay, Bộ Công an đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân. Đặc biệt, những kết quả  của Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người” được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Giai đoạn 2011-2018, Việt Nam đã được LHQ xếp hạng vào nhóm 2 trong các nước có cố gắng vược bậc trong công tác phòng, chống mua bán người.

Mới đây, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng, tiếp tục thể hiện sự quan tâm đối với nạn nhân bị mua bán.

Việt Nam luôn chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Bộ luật Hình sự hiện hành đã cụ thể hoá các hành vi của tội phạm mua bán người để phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan tố tụng chứng minh tội phạm, phân hoá trách nhiệm hình sự.

Luật Phòng, chống mua bán người cũng được đưa vào chương trình sửa đổi để tương thích với các văn bản pháp luật khác, điều ước quốc tế.

Ngoài ra, việc ban hành các nghị định, thông tư, tham gia công ước, ký kết niệp định, biên bản ghi nhớ… cũng được đẩy mạnh, tạo hành lang pháp lý cho việc bóc gỡ, xử lý đường dây mua bán người.

Đáng chú ý, Bộ Công an đã xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình các cấp với nguyên tắc lấy nạn nhân bị mua bán làm trung tâm.

PGS, TS Nguyễn Thị Như Trang (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) lưu ý, việc hỗ trợ nạn nhân không chỉ nên dừng lại ở những cung cấp thiết thực cho cuộc sống hàng ngày để họ có thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, mà còn nên giúp nạn nhân cảm thấy họ được quan tâm và được tôn trọng, từ đó thúc đẩy sự tự tin và quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. 

Liên hợp quốc xác định tội phạm mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”.

Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

 

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh