Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới
- Giáo dục nghề nghiệp
- 20:52 - 26/03/2019
Sáng 26/3, Bộ GD&ĐT tổ chức buổi họp báo định kỳ quí I năm 2019.
Đó là những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT trong quý II năm 2019, được ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết trong buổi họp báo định kỳ quí I năm 2019, sáng 26/3. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An dự và chủ trì.
Để triển khai các công tác về chương trình SGK mới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn 1 bộ SGK mới; hướng dẫn lựa chọn SGK sử dụng trong nhà trường; hướng dẫn biên soạn và thực hiện tài liệu giáo dục của địa phương; hướng dẫn lựa chọn sách triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình mới. Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT, SGK mới. Hướng dẫn các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị thực hiện chương trình GDPT, SGK mới.
Ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi họp báo.
Với những nhiệm vụ trên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình mới với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hội nghị các trường sư phạm triển khai nhiêm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDPT thực hiện chương trình GDPT mới.
Hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017-2025; tổ chức làm việc tại một số địa phương (tỉnh Điện Biên, tỉnh Quảng Nam) về việc thực hiện sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học và công tác chuẩn bị CSVC, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình GDPT mới.
Cùng với các nhiệm vụ về Chương trình GDPT mới, trong quý II/2019, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tập trung tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.
Tại buổi họp, trước một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc kết quả chấm thẩm bài thi của Hòa Bình và Sơn La và vấn đề có công bố danh tính của các thí sinh và phụ huynh có vi phạm hay không, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, những gì mà Bộ GD&ĐT đã hứa trong xử lý gian lận thi cử tại Hòa Binh, Sơn La đã thực hiện được. Quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, xử lý nghiêm minh, xử lý đến cùng sai phạm theo đúng quy chế, quy định của pháp luật.
Theo ông Mai Văn Trinh, việc công khai danh tính của các thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp, tuân thủ Luật Dân sự, tuân thủ những quy định của cơ quan điều tra.
“Theo quy định, quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của bài thi, là điểm chính thức để sử dụng xét tốt nghiệp và xét vào các trường CĐ, ĐH, giáo dục nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường ĐH, CĐ, Cục đào tạo Bộ Công an để xử lý vấn đề này theo hướng xử lý nhanh, gọn, không để ảnh hưởng không tốt đến các thí sinh khác”, ông Trinh nói.
Về vấn đề có công bố danh tính của các thí sinh và phụ huynh có vi phạm hay không, ông Trinh cho rằng, việc công khai danh tính của các thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp, tuân thủ Luật Dân sự, tuân thủ những quy định của cơ quan điều tra. “Có công bố hay không, công bố đến đâu là quyền của cơ quan điều tra. Cần tính đến nhiều yếu tố khác, trong đó không thể không tính đến những tác động cực đoan đến học sinh”, ông Trinh nhấn mạnh.