CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Trên 40% học sinh Tiểu học ở thành thị thừa cân, béo phì

Trên 40% học sinh Tiểu học ở thành thị thừa cân, béo phì - Ảnh 1.

Tình trạng ăn uống bất hợp lý, ăn thừa năng lượng thiếu dinh dưỡng khiến tỷ lệ trẻ em ở khu vực thành thị bị thừa cân, béo phì.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025".

Nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác dinh dưỡng học đường

Báo cáo đánh giá của Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) cho thấy, sau hơn một năm triển khai Đề án 41, nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đã được nâng lên.

Từ trường học, thói quen thực hành dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động thể lực đã lan tỏa tới các cộng đồng và toàn xã hội, giúp người dân có thái độ đúng đắn trong việc thực hành đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, thời gian tới cần tăng cường, đổi mới công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội đối với công tác dinh dưỡng học đường và công tác giáo dục thể chất trong trường học.  Cùng với đó, xây dựng nội dung giáo dục về chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn bán trú và các hoạt động thể chất phù hợp cho các đối tượng trẻ em, học sinh; xây dựng mô hình điểm về bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý và đánh giá hiệu quả triển khai mô hình can thiệp đối với học sinh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông mới triển khai tới đây sẽ nhấn mạnh đến giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mĩ, trong đó đặc biệt quan tâm đến thể lực, sức khỏe.

Tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em ở mức cao

Hiện nay Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép. Đó là tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em ở mức cao, trong khi đó, tình trạng ăn uống bất hợp lý, ăn thừa năng lượng thiếu dinh dưỡng khiến tỷ lệ trẻ em ở khu vực thành thị bị thừa cân, béo phì.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), học sinh Tiểu học ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có tỉ lệ thừa cân, béo phì trên 40%. Nhóm này đòi hỏi phải có chế độ dinh dưỡng hợp lí và hoạt động thể dục thể thao. Vì thế thời gian tới cần có mô hình phong phú hơn, sau đó sẽ có chia sẻ và nhân rộng.

Trên 40% học sinh Tiểu học ở thành thị thừa cân, béo phì - Ảnh 2.

Xây dựng nội dung giáo dục về chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn bán trú cho học sinh.

Đối với việc triển khai mô hình điểm, theo ông Vinh, cần phải tính đến sự khác biệt vùng miền, trong đó, ngành Y tế phải tăng cường trách nhiệm phối hợp với ngành Giáo dục trong quá trình xây dựng thực đơn phù hợp cho các nhóm đối tượng vùng miền, thậm chí cho nhóm tuổi và cao hơn nữa là cho nhóm bệnh.

Bác sĩ Phạm Thị Quỳnh Nga, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện sức khỏe cho học sinh, trong đó tăng thời lượng hoạt động thể lực cho các em trong trường học chứ không chỉ ngoại khóa. "Cần hướng dẫn, truyền thông giáo dục tới học sinh và cả phụ huynh những chế độ ăn uống hợp lí. Chẳng hạn như, tuyên truyền để học sinh không uống nước ngọt nhiều, ăn nhiều rau, trái cây thay vì những đồ ăn chứa nhiều đường và muối. Những trường thực hiện bữa ăn học đường cũng cần chú ý đến điều này để tạo thói quen ăn uống cho học sinh", bà Nga lưu ý.

Để triển khai hiệu quả Đề án 41, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đề án, quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ trong các nhà trường.

Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường; tiêu chuẩn dinh dưỡng của các thực phẩm, đồ uống bán ở căng tin, trường học và quy định về thời gian hoạt động thể lực cho học sinh, sinh viên trong trường học phù hợp với lứa tuổi.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn của chế độ thể lực phù hợp, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật một số môn thể thao dành cho trẻ em, học sinh; xây dựng tài liệu hướng dẫn các bài tập thể dục nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án, Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025" (gọi tắt là Đề án 41).

Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2025: 100% cán bộ làm công tác y tế trường học; ít nhất 85% học sinh, sinh viên, giáo viên; ít nhất 50% cha mẹ học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh