THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:36

Trên 13.800 học sinh, giáo viên mắc Covid-19

Trên 13.800 học sinh, giáo viên mắc Covid-19 - Ảnh 1.

TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh.

Số ca mắc F0 là 13.870 trường hợp

Theo đó, tính đến 17h00, ngày 7/9, ngành Giáo dục ghi nhận số ca mắc F0 là 13.870 trường hợp, trong đó, khối đại học có 257 cán bộ, giảng viên và 1.028 sinh viên; khối giáo dục phổ thông có 9.742 học sinh và 2.843 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó số ca F0 nhiều nhất thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh với 8.141 học sinh và 2.496 giáo viên.

Trước thềm năm học mới, Bộ GD&ĐT đã có có công văn gửi các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.

Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT kiểm tra, rà soát những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) để phối hợp với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ, tuyệt đối không để có học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, giúp các em được tham gia đầy đủ các hình thức học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời, ký kết quy chế, chương trình phối hợp giữa cơ sở giáo dục với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có phương tiện tối thiểu đáp ứng việc học tập trực tuyến trong thời gian chưa thể tới trường vì dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Ủng hộ trang thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Trước những thách thức, khó khăn đặt ra trong năm học mới, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tích cực rà soát, kêu gọi quyên góp ủng hộ trang thiết bị cho các em học sinh khó khăn để việc học tập được duy trì.

Tại cuộc họp bàn giải pháp đẩy mạnh dạy học trực tuyến, trên truyền hình và các phương thức giáo dục khác trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nỗ lực bảo đảm công bằng trong giáo dục, không chỉ giữa các vùng miền mà cả những nơi có dịch và không có dịch, nhất là đối tượng học sinh nghèo ở vùng có dịch; vận động, kêu gọi cộng đồng, xã hội hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện có dịch bệnh. Bộ TT&TT, các nhà mạng bảo đảm đường truyền phục vụ cho dạy, học trực tuyến.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị trường học đã xây dựng kế hoạch và triển khai dạy học trực tuyến nhằm giúp học sinh "tạm dừng đến trường, không dừng học". Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ của các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận còn 387 học sinh gặp khó khăn, không có thiết bị học tập trực tuyến.

Trong thời gian vừa qua, các trường đã chủ động thực hiện xã hội hóa (XHH) hỗ trợ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho 360 học sinh. Hiện vẫn còn 27 học sinh tiểu học trên địa bàn quận có hoàn cảnh ĐBKK cần hỗ trợ thiết bị để học tập trực tuyến.

Với phương châm "trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau", Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã tích cực vận động XHH từ đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện chương trình "Máy tính cho em" do Sở GD&ĐT và công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh ĐBKK đang thiếu điều kiện học tập.

Trước thềm năm học mới, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã tổ chức trao tặng 27 thiết bị học trực tuyến gồm máy tính bảng, điện thoại thông minh cho 27 em học sinh có hoàn cảnh ĐBKK của các trường Tiểu học Thịnh Liệt, Yên Sở, Lĩnh Nam, Tân Mai. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận đã trao tượng trưng trực tiếp cho 4 học sinh tại trường Tiểu học Thịnh Liệt và trao tại nhà cho 2 học sinh trường này và trường Tiểu học Yên Sở. Các phần quà còn lại sẽ được các nhà trường gửi trực tiếp tới tay từng em học sinh.

Trên 13.800 học sinh, giáo viên mắc Covid-19 - Ảnh 3.

Trao quà cho học sinh khó khăn trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hà Nội).

Tại huyện Ba Vì (Hà Nội), sau một thời gian phát động, đã có hơn 200 thiết bị gồm điện thoại thông minh, máy tính, iPad kịp thời được gửi tới những học sinh khó khăn.

Còn tại huyện Hoài Đức, đến ngày 8/9, Phòng GD&ĐT đã kêu gọi ủng hộ được 29 chiếc điện thông minh để học sinh có hoàn cảnh khó khăn không phải tạm dừng việc đến trường.

Là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, hiện TP. Hồ Chí Minh còn 31.247 học sinh tiểu học (chiếm tỷ lệ 4,5% học sinh tiểu học) không đảm bảo các điều kiện về thiết bị và đường truyền để học trực tuyến. Tương tự, con số này ở bậc THCS là 26.355 học sinh (tỷ lệ 6,4%) và bậc THPT là 15.037 học sinh (tỷ lệ 5,8%).

Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi Thường trực UBND thành phố, đề xuất huy động nguồn vốn tài trợ (dự kiến 15.000 thiết bị) để tiếp sức cho các em học sinh, vận động các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông tài trợ hoặc cung cấp các gói cước viễn thông giá rẻ phù hợp để ổn định đường truyền, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Ttại Bình Dương, Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị vừa triển khai kế hoạch vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành giáo dục, phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm… quyên góp, ủng hộ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn, để giúp các em duy trì việc học trong những ngày sắp tới.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh