THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:53

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao chất lượng XKLĐ

 

  

Ông Nguyễn Lương Trào.

 * Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội sẽ có những hoạt động nào để bảo vệ tốt hơn nữa quyền của NLĐ và doanh nghiệp, thưa ông?

      - Trong nhiệm kỳ IV, Hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động XKLĐ, từng bước đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ theo hướng cơ cấu lại tổ chức hoạt động một cách chuyên nghiệp, góp phần giữ vững ổn định qui mô lao động và thị trường hiện có, mở rộng có chọn lọc các thị trường phù hợp với năng lực hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục vận động các doanh nghiệp thực hiện Bộ qui tắc ứng xử (CoC-VN), bởi đây là bộ qui tắc chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp, thực hiện tốt sẽ nâng cao uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của NLĐ. 

     Hiệp hội cũng sẽ hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện các cẩm nang cho NLĐ ở từng thị trường. Đặc biệt ở các thị trường trọng điểm, tiếp tục bổ sung chính sách mới, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục định hướng,  giúp NLĐ được trang bị kiến thức đầy đủ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Phổ biến những kinh nghiệm tốt từ các doanh nghiệp XKLĐ, thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp khác, vận động họ làm theo...

     * Ông cho biết tình hình XKLĐ năm 2014, dự báo thị trường trọng điểm trong năm 2015?

     - Đến thời điểm này, số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ vượt xa kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Năm 2014, các thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài đều tăng, trong đó thị trường Đài Loan-Trung Quốc tăng rất mạnh.Với Nhật Bản, trước đây chúng ta đều mong đưa được 10.000 lao động/năm, năm nay cũng đã đạt và vượt. Bên cạnh đó, tỉ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam ở hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản giảm, tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp XKLĐ những năm tới đây.

     Dự báo năm 2015, thị trường các doanh nghiệp XKLĐ hướng tới không khác nhiều so với 2014. Nhật Bản, Đài Loan... vẫn là những thị trường truyền thống, có nhu cầu tiếp nhận lao động số lượng lớn, do vậy cần tập trung đẩy mạnh và giữ vững hai thị trường này. Với thị trường Malaysia, tuy lương không cao, nhưng phù hợp với lao động ở các huyện nghèo sang làm việc bởi chi phí không lớn, thậm chí hiện nay lao động Việt Nam làm việc tại một số công ty, doanh nghiệp của bạn, có thu nhập không hề kém so với làm việc ở khu vực Trung Đông...

     * Hiện, có không ít các doanh nghiệp XKLĐ cạnh tranh không lành mạnh, ông bình luận thế nào về vấn đề này?

     - Hiện nay, với những doanh nghiệp XKLĐ làm ăn bài bản, tìm được đối tác lớn, họ chỉ mất phí vừa phải. Còn một số doanh nghiệp yếu, chưa có nhiều hợp đồng với các đối tác, việc tìm được hợp đồng tốt rất khó, buộc họ phải tăng phí môi giới để có được hợp đồng. Đó là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Quan điểm của chúng tôi hướng các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chính chất lượng của mình, sẽ tốt cho cả doanh nghiệp và NLĐ. Để kiểm soát tình trạng các doanh nghiệp XKLĐ cạnh tranh không lành mạnh, tôi cho rằng: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của doanh nghiệp. Hiệp hội tiếp tục vận động doanh nghiệp tự giác thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát theo các chuẩn mực của Bộ Qui tắc ứng xử, trừ điểm và xếp hạng thấp đối với doanh nghiệp vi phạm, nhất là với các nhóm vi phạm liên quan đến thu phí quá cao, cạnh tranh không lành mạnh.

Lao động học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

     * Ông cho biết vai trò kết nối doanh nghiệp và tạo môi trường XKLĐ lành mạnh của Hiệp hội trong thời gian tới sẽ như thế nào?

     - Hiệp hội đã chủ trương và từng bước thực hiện việc kết nối các doanh nghiệp thông qua cách tiếp cận bằng CoC-VN và vận động các doanh nghiệp thực hiện cũng như tiến hành giám sát, đánh giá và công bố những doanh nghiệp thực hiện tốt và chưa tốt... Đây là việc làm kết nối doanh nghiệp tốt hơn, bởi tôi cho rằng khi theo sát doanh nghiệp, sẽ phát hiện những điểm tốt, chưa tốt để  doanh nghiệp tự khắc phục, nâng tầm uy tín hoạt động của chính họ.

      Hiệp hội cũng vận động các doanh nghiệp cung cấp, trao đổi những kinh nghiệm hay để giới thiệu mở rộng cho các doanh nghiệp cùng thực hiện. Hiệp hội cũng sẽ thu thập và thông báo cho hội viên những vi phạm bị trừ điểm, những rủi ro cần phòng tránh trong hoạt động thực tiễn. Trên thực tế, đây là vấn đề những năm qua Hiệp hội đã làm và trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng. Khi một doanh nghiệp có hợp đồng lớn và có nhu cầu kết nối với các doanh nghiệp cùng tuyển, Hiệp hội sẽ vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp.

     * Xin cảm ơn ông!

Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam

      Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam ( Vietnam  Association of Manpower Supply- VAMAS ) được thành lập theo Quyết định số 86/2003/QD-BNV, ngày 22/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trụ sở  tại:   73 Nguyên Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội).

      Hiệp hội XKLD Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ, đại diện cho quyền và lợi ích của cộng đồng các doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Mục đích hoạt động của Hiệp hội nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng cung ứng lao động cho các thị trường lao động ngoài nước của các doanh nghiệp hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

     Đại hội nhiệm kỳ IV của Hiệp hội (tháng 12/2014 ) đã bầu Ban chấp hành gồm 29 thành viên và Ban Kiểm tra gồm 3 thành viên, đa số là giám đốc các doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ. Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội là tiến sỹ Nguyễn Lương Trào, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH.


Thanh Huyền (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh