THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:24

Trẻ ngủ muộn là do cha mẹ, hãy thay đổi ngay từ bây giờ!

Những tác hại của việc trẻ ngủ muộn

Một giấc ngủ đủ, ngủ sâu giúp cơ thể phục hồi và thư giãn. Đối với trẻ em, giấc ngủ càng đặc biệt quan trọng.

Thiếu ngủ khiến trẻ chậm phát triển chiều cao

Ngoài yếu tố di truyền, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Nguyên nhân là do khi ngủ, cơ thể trẻ sẽ sản sinh một loại hormone tăng trưởng, giúp trẻ tăng chiều cao. Theo các chuyên gia, loại hormone này được tiết ra từ khoảng 11h đêm đến 1h sáng khi trẻ ngủ sâu. Ngủ muộn sẽ khiến lượng hormone tiết ra ít, ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao.

Ảnh hưởng đến khả năng học tập

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Đại học Y khoa Maryland (Mỹ), trẻ em ở độ tuổi tiểu học ngủ ít hơn 9 tiếng mỗi đêm có sự khác biệt đáng kể ở một số vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ, trí thông minh và sức khỏe so với bạn cùng lứa ngủ đủ 9 - 12 giờ mỗi đêm. Kết quả được công bố trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health năm 2022. Như vậy, việc đi ngủ muộn về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và khả năng học tập của trẻ.

Giảm sức đề kháng

Ngủ sâu không chỉ là thời điểm cơ thể phục hồi mà còn sản xuất ra cytokine - một loại protein có tác dụng chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó, một giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh. Ngược lại, ngủ muộn, ngủ không sâu sẽ làm giảm số lượng cytokine, dẫn tới sức đề kháng giảm, trẻ dễ bị nhiễm bệnh, cảm lạnh hơn.

Dễ bị béo phì

Tiến sĩ Elsie Taveras - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nhi Massachusetts ở Boston (Mỹ) cho biết, những trẻ em bị thiếu ngủ có nguy cơ béo phì cao hơn khoảng 2,5 lần so với những trẻ em ngủ nhiều. Thêm vào đó, trẻ em thiếu ngủ cũng có nguy cơ có tổng lượng mỡ cao hơn 2,5 lần, lượng mỡ bụng cao hơn, số đo vòng eo và vòng hông lớn hơn. Nghiên cứu này được thực hiện trên 1.000 trẻ em.

Rối loạn hành vi

Ngủ muộn khiến cơ thể mệt mỏi, trẻ không chỉ suy giảm nhận thức mà nền tảng xã hội cũng kém hơn những trẻ được ngủ đủ. Trẻ dễ bị rối loạn hành vi, hiếu động thái quá và dễ bị kích động, hay tức giận, cáu gắt, thích đánh người, thiếu kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc… Trẻ cũng sẽ có tâm trạng không tốt, cơ thể mệt mỏi, lờ đờ thiếu sức sống vào sáng hôm sau.

Trẻ ngủ muộn là do cha mẹ

Trẻ nhỏ được chăm sóc chủ yếu bởi cha mẹ nên chúng sẽ ảnh hưởng từ những thói quen của bạn. Nếu cha mẹ thường xuyên ngủ muộn, trẻ cũng sẽ thức cùng bạn. Một khi việc đi ngủ muộn ở trẻ diễn ra như một thói quen hàng ngày, lúc đó bạn sẽ rất khó để thay đổi trẻ.

Ngủ ngày quá nhiều

Một số cha mẹ cho trẻ ngủ ngày quá nhiều, cứ thấy trẻ dụi mắt là cho đi ngủ. Nếu cha mẹ hoặc người trông trẻ cho trẻ ngủ ngày quá nhiều, đến buổi tối, trẻ sẽ không còn buồn ngủ nữa, dẫn tới ngủ muộn.

Trẻ bị thiếu chất

Với trẻ nhỏ, việc thiếu một số chất dinh dưỡng như: sắt, canxi, vitamin D, magie… có thể khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình, hay quấy khóc, đổ mồ hôi trộm...

Môi trường không thoải mái

Trẻ có thể khó ngủ nếu thời tiết quá nóng hoặc lạnh, quần áo mặc quá chật, cha mẹ nói chuyện to hoặc hàng xóm gây ồn ào…

Một số trẻ ngủ muộn do nghiện điện thoại, iPad. Ảnh minh họa: Getty Images

Một số trẻ ngủ muộn do nghiện điện thoại, iPad. Ảnh minh họa: Getty Images

Trẻ ngủ muộn do nghiện điện thoại, iPad

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì với trẻ lớn hơn, trên 3 tuổi còn có nhiều yếu tố tác động khiến cho trẻ ngủ muộn. Việc cha mẹ cho trẻ chơi điện thoại hoặc iPad có thể khiến cho trẻ đắm chìm vào các trang mạng xã hội, các video clip, các trò chơi... trẻ quên mất việc cần phải đi ngủ đúng giờ.

Xem phim, đọc truyện khuya

Một số trẻ tuổi teen có thể ham xem phim và đọc truyện tranh/truyện ngôn tình quên giờ đi ngủ. Chúng sẽ bị cuốn hết tập này đến tập khác, nhiều khi xem/đọc đến quá nửa đêm vẫn chưa chịu đi ngủ.

Stress

Trẻ em cũng có thể bị stress khiến khó ngủ, ngủ không ngon giấc.

Nếu thấy trẻ ngủ muộn mà không phải các lý do kể trên, bạn nên xem xét lại liệu có phải do con đang bị stress không. Bị bạn học bắt nạt, bị thầy cô mắng, áp lực thi cử, học tập đều có thể khiến cho trẻ căng thẳng và mệt mỏi dẫn tới khó ngủ.

Làm thế nào để trẻ ngủ sớm và ngủ ngon?

Luyện cho trẻ đi ngủ đúng giờ

Tùy vào độ tuổi, thời gian trẻ đi ngủ sẽ khác nhau. Trẻ sơ sinh cần đi ngủ trước 8h tối, trẻ mầm non đi ngủ trước 9h tối, trẻ cấp 1 đi ngủ trước 9h30 tối, trẻ cấp 2 đi ngủ trước 10h tối. Đến giờ đi ngủ, nếu trẻ không tự giác, cha mẹ hãy nhắc nhở trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ không chịu đi ngủ hoặc khó ngủ nếu cha mẹ chưa ngủ thì hãy cho trẻ ngủ riêng để việc bạn thức không làm ảnh hưởng đến trẻ. Nếu trẻ vẫn đang ngủ cùng bạn, hãy tắt điện và nằm xuống bên con, chờ con ngủ say rồi mới thức dậy làm các công việc khác (nếu cần).

Không cho trẻ chơi nhiều trước khi đi ngủ

Trước giờ đi ngủ, hoạt động nhiều hay xem điện thoại sẽ khiến cơn buồn ngủ trôi qua. Vì vậy, trước khi đi ngủ thì không nên cho trẻ chơi đùa nhiều.

Không cho trẻ ngủ ngày quá nhiều

Hãy giảm bớt thời gian trẻ ngủ ngày để tập trung cho giấc ngủ đêm.

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất

Thiếu chất dinh dưỡng khiến trẻ khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Do đó, cha mẹ hãy bổ sung đầy đủ các loại vitamin, sắt, canxi… trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể trẻ hoạt động tốt hơn, ngủ ngon hơn, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng, chiều cao và cân nặng.

Tạo môi trường thoải mái

Để trẻ dễ ngủ và ngủ ngon, cha mẹ cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, nếu phòng sử dụng điều hòa thì để nhiệt độ trong khoảng 26 - 28 độ C. Tắt các thiết bị phát ra ánh sáng xanh như điện thoại, laptop, tivi trước khi trẻ ngủ, tránh gây tiếng ồn.

Nếu trẻ cảm thấy khó ngủ, bạn có có thể massage cho bé, kể chuyện cho con nghe, bật một bản nhạc nhẹ nhàng hoặc cho trẻ uống một chút nước ấm/sữa ấm trước khi đi ngủ...

Một điều quan trọng đối với trẻ em là việc ngủ nhiều hay ít không quan trọng bằng có một giấc ngủ sâu và ngon. Do đó, chất lượng giấc ngủ mới là điều các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm.

Cha mẹ cần luyện cho trẻ đi ngủ đúng giờ. Ảnh minh họa: Unsplash

Cha mẹ cần luyện cho trẻ đi ngủ đúng giờ. Ảnh minh họa: Unsplash

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ (NSF) khuyến nghị trẻ em nên ngủ đủ giấc mỗi ngày theo số liệu dưới đây:
Trẻ sơ sinh (0 - 3 tháng tuổi) cần ngủ 14 - 17 tiếng/ngày
Trẻ sơ sinh (4 - 11 tháng tuổi): ngủ 12 - 15 tiếng/ngày
Trẻ mới tập đi (1 - 2 tuổi): ngủ 11 - 14 tiếng/ngày
Trẻ mẫu giáo (3 - 5 tuổi): ngủ 10 - 13 tiếng/ngày
Trẻ em ở độ tuổi đi học (6 - 13 tuổi): ngủ 9 - 11 tiếng/ngày
Thanh thiếu niên (14 - 17 tuổi): ngủ 8 - 10 tiếng/ngày.

PHƯƠNG ANH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh