THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:56

Trẻ nghiện game, nỗi lo của mọi gia đình trong dịp nghỉ hè ở TP.HCM

Hiện nay, quán internet ở TP.HCM mọc lên ngày càng nhiều, đa số tập trung nhiều ở các khu đông dân cư, trường học, xóm trọ… Rất nhiều học sinh, sinh viên trong những ngày nghỉ hè thảnh thơi, vào mạng và chơi game online để giải trí.

Theo ghi nhận, tại tiệm game trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) vào khoảng 14h, ở đây có khoảng gần 100 máy tính đã kín chỗ. Nhiều em chỉ tầm độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang say sưa “nhập vai” trong các trò chơi, những tiếng hò reo vang lên náo nhiệt. Thậm chí, một số em còn nói tục, chửi thề.

 Trẻ nghiện game, nỗi lo của mọi gia đình trong dịp nghỉ hè ở TP.HCM.

 

Trong khi đó một tiệm game ở quận Bình Thạnh với 50 máy nhưng từ 8h sáng đã thường xuyên hết máy, đa số các khách quen đến đây là những học sinh ở khu dân cư gần đó. Nhiều em học sinh mải mê chơi game nên không về nhà ăn cơm mà hay gọi quán làm mì gói hoặc mua vội ổ bánh mỳ ăn tạm qua bữa. Thậm chí có nhiều em trốn bố mẹ đi chơi không chịu về nhà đúng giờ bị bố mẹ tìm đến quán game bắt về.

Chúng tôi bắt chuyện với em H.V.T. (15 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp), được biết: “Nghỉ hè, cứ ru rú ở nhà chán lắm. Em thường ra ngồi quán game từ 11h trưa đến khoảng 16h thì về nhà để bố mẹ không phát hiện. Cứ mỗi lần chơi em nạp trước 30.000 đồng (chơi được gần 4 tiếng); hết thời gian nếu cảm thấy hứng thú, không buồn ngủ thì nạp thêm tiền chơi tiếp. Lúc nào đói thì tạt qua quán tạp hóa mua ổ bánh mì ăn rồi lại vào cày”.

Mặc dù trong những ngày hè tại TP.HCM có rất nhiều hoạt động bổ ích dành cho trẻ em, như các lớp học bơi, đàn, võ, ngoại ngữ, rèn kỹ năng sống, học kỳ quân đội, các hoạt động vui chơi ngoài trời…  Tuy nhiên nhiều phụ huynh không có điều kiện và thời gian cho con tham dự, để mặc con ở nhà xem ti vi và lên mạng. Do tuổi hiếu động nên đã có không ít trẻ em tìm đến các trò chơi điện tử như một cách để giải trí và giết thời gian.

Để trẻ em không quá lún sâu vào những trò chơi ảo đòi hỏi gia đình phải quan tâm và thắt chặt quản lý.


Chị H. T. H.  (quận Gò Vấp) lo lắng: “Dịp hè ở TP.HCM có rất nhiều hoạt động vui chơi bổ ích cho trẻ, nhưng cả hai vợ chồng tôi đều đi làm từ sớm tới tối mới về đến nhà, không có nhiều thời gian để đưa các con tham gia. Hè các năm trước, tôi thường cho con về quê thay đổi không khí. Năm nay thì chưa có kế hoạch, phải để con ở nhà nên vợ chồng tôi rất lo, sợ con dành tiền ăn sáng để tới quán chơi các trò chơi điện tử”.

Nghiện game trở thành căn bệnh nghiêm trọng, một vấn nạn của toàn xã hội. Một khi đã nghiện, nhiều em sẵn sàng “đốt” tiền bạc, thời gian vào những trò chơi ảo đó. Chưa kể, hiện có rất nhiều game bạo lực hay game có yếu tố nhạy cảm, có nội dung cấm, nhưng trẻ em vẫn có thể dễ dàng tiếp cận trên mạng.

Nếu như không có sự hướng dẫn, định hướng của phụ huynh có thể sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các em trong độ tuổi mới lớn. Đã có rất nhiều em nhỏ nghiện game, đắm chìm trong thế giới ảo đến lơ là việc học, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Số tiền dành cho các trò chơi điện tử không hề nhỏ, nên đã xảy ra những vụ việc trẻ em phạm pháp để có tiền chơi game.

Không phủ nhận rằng hiện nay có rất nhiều trò chơi điện tử trí tuệ giúp trẻ giải trí và phát triển tư duy. Tuy nhiên, để trẻ em không quá lún sâu vào những trò chơi ảo thì đòi hỏi gia đình phải thật quan tâm và thắt chặt quản lý. Dịp hè, cần quy định cho trẻ một khoảng thời gian sử dụng internet nhất định, để không sa đà; đồng thời quan tâm cho trẻ đến các sân chơi lành mạnh, kích thích sự sáng tạo, bổ ích, phù hợp với độ tuổi.

PV (T/H)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh