Trẻ liên tiếp gặp tai họa tại trường: Lỗ hổng trách nhiệm!
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:03 - 12/09/2020
Lại quên trẻ trên ô tô
Sau vụ việc đau lòng tại trường Gateway (Hà Nội) năm 2019 khiến 1 học sinh tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón học sinh, thì ngày 10/9, 1 học sinh trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) lại bị bỏ quên trên ô tô nhưng cháu bé lớp 3 đã may mắn tự thoát ra nhờ kỹ năng được nhà trường hướng dẫn trước đó.
Khoảng 9 giờ sáng 11/9, đang giờ ra chơi, một nhóm học sinh lớp 5 của trường tiểu học Nam Lộc ra ngoài cổng trường chơi. Ngay lúc đó, bức tường rào của một gia đình cạnh trường bất ngờ đổ sập, đè lên một học sinh. Phát hiện sự việc, nhà trường đã đưa học sinh này đến bệnh viện cấp cứu nhưng rất tiếc, em đã tử vong do bị thương quá nặng.
Thông tin từ trường tiểu học Nam Lộc cho biết, cổng trường luôn đóng sau khi vào giờ học, kể cả giờ ra chơi. Sáng nay, trong giờ ra chơi, nhà trường mở cổng để vận chuyển một số cây cảnh vào sân trường nên học sinh đã ra trước cổng trường chơi và gặp nạn.
Trước đó, ngày 7/9, vụ đổ sập cổng trường khiến 3 học sinh tử vong và 3 học sinh khác bị thương ở phân hiệu bản Phung, trường tiểu học Khánh Yên Thượng, Lào Cai là tiếng chuông cảnh tỉnh về an toàn trường học. Bà Lê Thu Hiền - Hiệu trưởng trường mầm non Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) cho biết, cổng trường đã xây dựng từ lâu, cộng thêm lý do mưa lũ xảy ra trên địa bàn đã dẫn đến sạt lở và sập đổ. Điểm trường nằm cách trung tâm xã Khánh Yên Thượng khoảng 5km, được xây dựng từ năm 2016 với 4 phòng học.
Sự việc cây phượng vĩ to trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bị bật gốc khiến 1 học sinh chết và nhiều học sinh bị thương trong năm học trước là bài học để các trường đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất, cảnh quan đảm bảo an toàn cho thầy và trò.
Hiện trường vụ sập cổng khiến 3 học sinh tử vong, 3 em khác bị thương ở Lào Cai.
Chưa quan tâm đến cơ sở vật chất trong nhà trường
Sau vụ tai nạn thương tâm khiến 3 em nhỏ thiệt mạng ở phân hiệu bản Phung, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học bảo đảm an toàn cho học sinh cùng nhiều văn bản, hướng dẫn khác liên quan.
Vài năm gần đây, trường học ở một số địa phương xảy ra tình trạng sập lan can, đổ tường rào, bong trần, tốc mái… nhất là sau những trận mưa lũ, trường học vùng khó khăn lại càng thêm nguy cơ mất an toàn với học sinh và giáo viên. Một nguyên nhân được Cục Cơ sở vật chất nêu ra là do nhiều công trình xây dựng đã quá lâu, đáng chú ý là công tác bảo trì, bảo dưỡng theo quy định đối với những công trình trường học chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều yêu cầu các địa phương rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học. Nhưng còn nhiều địa phương chưa thực hiện tốt yêu cầu, trong khi công trình trường học xây mới ở nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng.
Qua sự việc tại Lào Cai, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về bảo đảm an toàn cơ sở vật chất trường học; tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp. Đặc biệt, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Tính mạng con người là vô giá, phụ huynh học sinh mất con cũng như dư luận xã hội rất mong tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn ở bản Phung. Từ mất mát này, hy vọng các nhà trường, địa phương… sẽ quan tâm hơn để học sinh không phải chứng kiến và hứng chịu những nỗi đau tương tự.
Về việc học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô, theo công văn số 3523/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do Bộ GD&ĐT ban hành có ghi rõ: Nhà trường phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ô tô; chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô; bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của lái xe. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do.
Hiệu trưởng (hoặc người đại diện pháp luật của trường) chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, về trách nhiệm của giáo viên, nhân viên đưa đón học sinh để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, nhằm đảm bảo an toàn đối với học sinh.
Giảm tải văn hóa, tăng cường đào tạo kỹ năng sống
Sự việc học sinh lớp 3 tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã thoát khỏi xe khi bị bỏ rơi vì đã được học kỹ năng thoát hiểm trên xe cho thấy, để đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhà trường và gia đình cần phối hợp đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Qua giáo dục kỹ năng sống, các em sẽ chủ động phát hiện các yếu tố, nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình học tập, vui chơi tại nhà, khi đến trường, để chủ động phòng tránh hiệu quả. Chưa nói đến chất lượng công trình thi công nhưng vụ việc đau lòng tại Lào Cai có thể sẽ tránh được nếu các em được hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, không nên leo trèo cây xanh, bờ tường...
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, sự an toàn cho trẻ em trong trường học tại Việt Nam đã được ghi rõ cụ thể trong nhiều chương trình, quy định khác nhau do Bộ GD&ĐT ban hành. Muốn trẻ em có được sự an toàn trong nhà trường, điều tiên quyết là phải dạy cho trẻ em những kỹ năng tự thoát thân, thoát hiểm khi gặp những tình huống nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của bản thân. Tiếp đó là triển khai những chương trình dạy bơi cho học sinh trong trường học, để trẻ em có kỹ năng bơi lội phòng tránh đuối nước.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy định về Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích ngay trong năm 2007. Trong đó, Trường học an toàn nghĩa là trường học mà các yếu tố nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh được phòng, chống và giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ. Toàn bộ học sinh của trường được sống và học tập trong một môi trường an toàn. Những quy định, chương trình đó là hướng đi rất đúng, tuy nhiên có phát huy được tác dụng của nó hay không còn phụ thuộc vào cách triển khai từ trên xuống như thế nào.
Theo ông An, cần làm rõ 3 yếu tố khiến cho những chương trình kể trên chưa thực sự phát huy được điểm mạnh trong trường học: Đó là học sinh ở Việt Nam phải đối mặt với một chương trình học quá đồ sộ, nhồi nhét. Việc học văn hóa chiếm phần lớn thời gian các em có mặt tại trường học. Điều này dẫn tới việc học kỹ năng bị xem nhẹ, câu nói "học mà chơi, chơi mà học" không còn đúng. Trẻ em không có thời gian để học các kỹ năng sống khác. Trong chương trình giáo dục còn thiếu chương trình giảng dạy kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, biết cách thoát hiểm, phòng chống xâm hại và bạo lực... Đây là lỗ hổng từ Bộ GD&ĐT, ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ em trong trường học.
Thứ hai, nhà trường không có giáo trình về kỹ năng sống. Đến lớp 5, các em mới được lồng ghép một số bài học về phòng chống đuối nước... mà không phải là bài dạy về kỹ năng. Thứ ba, hệ thống giáo viên không có kỹ năng, vì vậy khó có thể truyền đạt được cho học sinh. Dạy kỹ năng thoát hiểm không có nghĩa là mời lính phòng cháy chữa cháy về trường để dạy trẻ em cách dùng bình cứu hỏa dập một đám lửa lớn, đó là những cách dạy trẻ em thoát hiểm sai lầm.