Trẻ khuyết tật cần được bảo vệ đặc biệt khỏi nguy cơ bị xâm hại, bạo hành
- Dược liệu
- 22:46 - 26/04/2017
Các chuyên gia khẳng định: Bạo lực và xâm hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ do các em còn quá nhỏ, yếu ớt, cần được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của gia đình, chuyên gia y tế, tâm lý. Nếu là trẻ khuyết tật lại càng cần được quan tâm hơn do các em vốn có sẵn sự mặc cảm, dễ bị kì thị nên khả năng hòa nhập xã hội thường thấp. Khi bị xâm hại và bạo hành, trẻ khuyết tật càng thêm khép kín, việc hòa nhập cộng đồng càng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, nếu nạn nhân là trẻ tự kỷ thì sang chấn nặng nề về tâm lý sẽ khiến bệnh trầm trọng, khó hồi phục hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng công bố kết quả một cuộc nghiên cứu về tình trạng trẻ em khuyết tật bị bạo hành trên thế giới (bao gồm trẻ bị dị tật bẩm sinh, tự kỷ, bị dị tật do tai nạn, xung đột, chiến tranh, do hành vi bạo hành của người lớn...) . Kết quả cho thấy, trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gần gấp 4 lần so với trẻ em bình thường; người khuyết tật dễ trở thành nạn nhân của bạo hành hoặc xâm hại hơn cả.
Dạy các em lớp khiếm thính cách phát âm. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN
Ở Việt Nam, những năm qua cộng đồng xã hội cũng phát hiện được rất nhiều trường hợp trẻ khuyết tật bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc xâm hại và bạo hành. Điển hình là các vụ việc từng gây rúng động dư luận: Giáo viên, bảo mẫu tại Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) nhẫn tâm dậy trẻ tự kỷ bằng việc dùng gậy đánh, tát, nhéo vào bộ phận sinh dục (năm 2014); vụ bé gái khuyết tật trí tuệ 14 tuổi ở Quảng Bình bị hàng xóm cưỡng hiếp (2014); vụ một bé trai 14 tuổi ở Nghệ An bị tật bẩm sinh dẫn đến câm, bất thường về thần kinh bị người hàng xóm đưa ra khỏi nhà nhiều ngày và xâm hại, bạo hành dã man rồi bỏ mặc (năm 2014); vụ t rẻ mồ côi bị bảo mẫu dốc ngược đầu xuống đất, đánh tại cơ sở nhà trẻ mồ côi Vĩnh Phước An Tự ở phường 2, thành phố Bạc Liêu (năm 2015)...
Dù là đối tượng dễ bị bạo hành và xâm hại nhưng trẻ khuyết tật lại ít có khả năng được can thiệp, bảo vệ pháp lý hoặc chăm sóc phòng ngừa.
Năm 2015, có xảy ra vụ việc bé gái 13 tuổi bị câm điếc bẩm sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh bị xâm hại dẫn tới có thai nhưng phải tới gần đây mới có một tổ chức xã hội đứng ra nhận bảo vệ miễn phí cho gia đình dù việc xảy ra từ rất lâu. Hồ sơ của em đã được chuyển lên Tòa án gia đình và người chưa thành niên thuộc Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Luật sư cũng cho biết là thời gian qua chưa có luật sư tham gia giai đoạn điều tra vụ việc và đối tượng bị xâm hại là người khuyết tật .
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Việc xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nói chung hiện nay chưa thực sự nghiêm minh. Nhiều vụ việc không được bảo vệ thành công do nạn nhân sợ hãi hay bị kẻ xâm hại đe dọa nên không dám lên tiếng, có người lên tiếng nhưng sau đó lại rút đơn, có người sợ xấu hổ hoặc bị chê cười... Bên cạnh đó, nhiều vụ được giải quyết theo hướng “tình cảm, cho qua”. Vấn đề này đòi hỏi các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội phải có giải pháp góp phần bảo vệ và đảm bảo hơn nữa quyền của trẻ em nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Điều 23, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho trẻ em khuyết tật được hưởng một cuộc sống đầy đủ và tươm tất, được bảo vệ phẩm giá, thúc đẩy khả năng tự lực và tạo điều kiện cho các em tham gia vào cộng đồng. Các quốc gia thành viên phải công nhận quyền được chăm sóc đặc biệt của trẻ bị khuyết tật.
Bên cạnh đó, điều 34 của Công ước cũng nêu rõ các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục. Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền trẻ em, do đó Việt Nam đã ban hành các văn bản qui phạm pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với tinh thần của công ước quốc tế trước các hình thức bóc lột, bạo hành, xâm hại. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp hơn với đối tượng trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng.
Bên cạnh đó, điều 34 của Công ước cũng nêu rõ các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục. Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền trẻ em, do đó Việt Nam đã ban hành các văn bản qui phạm pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với tinh thần của công ước quốc tế trước các hình thức bóc lột, bạo hành, xâm hại. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp hơn với đối tượng trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng.
Nhằm giảm thiểu vấn nạn xâm hại và bạo hành trẻ em, các cơ quan chức năng, gần nhất là chính quyền địa phương, các đoàn thể, hội phụ nữ, lực lượng bảo vệ quyền trẻ em cần có biện pháp can thiệp kịp thời, hỗ trợ để bảo vệ trẻ khi phát hiện nguy cơ và hành động xâm hại, bạo hành trẻ trên địa bàn.
Các tổ chức xã hội, đơn vị truyền thông cũng cần tập trung phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân về quyền của trẻ khuyết tật, hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp của cộng đồng; giáo dục cho trẻ khuyết tật nhận thức được việc bị xâm hại, bạo hành để lên tiếng... Ngoài ra, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội cũng cần tham gia hỗ trợ pháp lý, bảo vệ cho trẻ trước tòa; các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội cần chung tay, phối hợp, đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng thể để bảo vệ an toàn cho trẻ em, nhất là trẻ khuyết tật.
Các tổ chức xã hội, đơn vị truyền thông cũng cần tập trung phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân về quyền của trẻ khuyết tật, hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp của cộng đồng; giáo dục cho trẻ khuyết tật nhận thức được việc bị xâm hại, bạo hành để lên tiếng... Ngoài ra, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội cũng cần tham gia hỗ trợ pháp lý, bảo vệ cho trẻ trước tòa; các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội cần chung tay, phối hợp, đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng thể để bảo vệ an toàn cho trẻ em, nhất là trẻ khuyết tật.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Áp cước bản thảo, tác dụng chữa bệnh của Áp cước bản thảo
Tác dụng Áp cước bản thảo, cách dùng Áp cước bản thảo chữa bệnh, hình ảnh, nơi mua, giá bán cây thuốc nam – vị thuốc quý Áp cước bản thảo
5 tháng trước
Tin nên đọc