THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:38

Chuyện một người khuyết tật hết lòng vì người nghèo

 

Tạo việc làm cho người khuyết tật

Chàng trai có nghị lực phi thường với trái tim giàu lòng nhân hậu trong chính tâm hồn, cách suy nghĩ và hành động ấy chính là anh Trần Mạnh Huy, sinh năm 1973, Giám đốc Công ty cổ phần V.B.P.O Đà Nẵng. Ngay từ khi mới sinh ra, không giống như những người bình thường khác, Huy mang trên mình chứng liệt nửa người, khiếm khuyết trên cơ thể từ một trận sốt khi còn ở trong bụng mẹ. Lớn lên trong sự khó khăn, mặc cảm, tự ti, đến lớp trong sự cười chê của bạn bè, thế nhưng bằng sự động viên của những người thân yêu nhất, Huy đã vượt lên chính mình và đứng vững trên đôi chân của chính mình theo đúng nghĩa. 

 

Gần gũi, luôn tận tình chỉ bảo, giúp đỡ là cách mà anh Trần Mạnh Huy đã khiến những nhân viên này luôn gắn bó và nỗ lực hết mình cho sự phát triển chung của công ty. 

 

Cha mẹ đều là người gốc Huế, nhưng Huy sinh ra ở Đắk Lắk, lớn lên và học tập ở TP. Hồ Chí Minh. “Tốt nghiệp THPT, mình thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Công nghệ thông tin với số điểm khá cao. Khi ấy, mặc dù đỗ rồi nhưng thấy mình dị tật, nhà trường không cho học, bởi sức khỏe không bảo đảm. Bố mẹ mình phải đến trường cam kết cho mình đến lớp nên nhà trường mới chấp nhận”, anh kể.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Huy tốt nghiệp đại học thuộc top đầu của khóa và được nhận ngay vào làm giảng viên tại một trường đại học ở  TP. Hồ Chí Minh. Một thời gian sau, anh được một công ty phần mềm hàng đầu của Mỹ tuyển dụng vào làm việc. 

Gần 10 năm làm việc, năm 2006 cơ duyên mới thực sự đến với anh trong một lần đi du lịch đến Đà Nẵng lại đúng vào thời điểm miền Trung bị bão Xangsane hoành hành. Một cơn bão mạnh đã khiến Đà Nẵng tan hoang với những xí nghiệp, nhà xưởng gần như nằm trong đổ nát. “Đúng trước cảnh ấy mình cảm thấy đau lòng lắm, công nhân sẽ bị mất việc làm, người nghèo lại càng khó khăn hơn, nói gì đến người khuyết tật.”. Day dứt, muốn làm một điều gì đó có ích, Huy quay về TP. Hồ Chí Minh và quyết định tự bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để trở lại Đà Nẵng gây dựng sự nghiệp chỉ với một mong muốn tạo được thật nhiều việc làm cho người khuyết tật, người nghèo khó, để họ có thể nuôi sống bản thân mình, có một công ăn việc làm ổn định, sống hòa nhập.

Hạnh phúc khi được sẻ chia

Công ty cổ phần V.B.P.O Đà Nẵng chính thức được thành lập vào năm 2010 với vỏn vẹn chỉ có 15 nhân viên, công việc chính là cung cấp các giải pháp dịch vụ và xử lý dữ liệu toàn diện cho doanh nghiệp, một công việc mà theo Trần Mạnh Huy sẽ rất phù hợp với những người khuyết tật.

Bắt tay vào thực hiện, việc đầu tiên anh làm là cho tuyển dụng những người khuyết tật vào làm việc để đào tạo công nghệ thông tin cho họ, vừa giúp họ có công ăn việc làm, ổn định thu nhập, không bị mặc cảm với xã hội. “Những người mà tôi tuyển dụng vào đều không có bà con thân thích, không quen biết, mà chỉ đơn giản đó là những người cùng cảnh ngộ như tôi, cũng phải bươn chải, kiếm sống như những người bình thường khác”, anh Huy cho biết.

Trải qua biết bao khó khăn, thách thức, từ sức ép thị trường, sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, sau gần 7 năm đi vào hoạt động, từ chỗ chỉ có 15 nhân viên, đến nay Công ty cổ phần V.B.P.O Đà Nẵng đã có gần 300 nhân viên với 3 chi nhánh ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Công việc chủ yếu là nhập dữ liệu, xử lý hình ảnh, cơ bản về thiết kế web, các dịch vụ về kế toán... phục vụ chủ yếu cho đối tác Nhật Bản. Hiện số lượng nhân viên là người khuyết tật đang làm việc tại công ty anh là hơn 30%, còn lại đa số là người nghèo, diện khó khăn. Anh bảo, “Đối với bản thân mình thì các bạn ấy đều là người khuyết tật rồi, bởi nghèo cũng là một dạng khuyết tật, khuyết tật xã hội, nên cũng rất cần được quan tâm, hỗ trợ, hạnh phúc là khi bạn được chia sẻ”.

Kinh doanh nhưng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mục tiêu quan trọng nhất của Công ty cổ phần V.B.P.O Đà Nẵng là ngày càng có nhiều việc làm để cho người khuyết tật, người nghèo có nguồn thu nhập ổn định, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Hiện mức lương trung bình của nhân viên công ty V.B.P.O là gần 5 triệu đồng/ tháng/ người, đủ để trang trải cuộc sống. Ngoài việc đảm bảo đầy đủ các chế độ phúc lợi cơ bản, nhân viên làm việc tại công ty còn được thưởng hàng tháng, hàng quý nếu hoàn thành tốt công việc nên đã động viên được tinh thần hăng say cũng như sự gắn bó của mọi người khi làm việc với nhau.

 “V.B.P.O truyền cho chúng tôi sự hứng khởi, nhiệt thành trong công việc. Ở đây mọi người luôn san sẻ giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để cùng nhau hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Và không ở đâu khác, chính sự chuyên nghiệp trong môi trường làm việc, sự gần gũi, tận tình chỉ bảo của một người lãnh đạo như anh Huy là nguồn động lực để chúng tôi xác định sự nghiệp của mình sẽ gắn bó với nơi này”, Nguyễn Văn Nhân, tốt nghiệp chuyên ngành cao đẳng công nghệ thông tin, cũng là một người khuyết tật đã có gần 6 năm gắn bó với công ty bày tỏ.

Nói về những dự định cho tương lai, anh Huy cho biết, tôn chỉ của công ty vẫn chỉ là hướng đến đối tượng người nghèo, nhóm người yếu thế trong xã hội. Với nguồn dữ liệu lớn, hiện công ty anh đang nghiên cứu dự án về hỗ trợ ngư dân trong việc đánh bắt thủy hải sản trên biển nhằm giảm bớt chi phí, sức người nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao thông qua việc phán đoán về thời tiết, ngư nghiệp, cũng như những nơi có nhiều cá, hải sản... để ngư dân đánh bắt. Anh cho biết, đây là dự án khó, hiện vẫn chưa có quốc gia nào nghiên cứu được, nên nếu thành công hứa hẹn sẽ đem đến cho công ty nguồn lợi ích nhất định.

“Điều mình lo lắng nhất hiện nay đó là không lâu nữa, những công việc mà nhân viên đang làm sẽ được thay thế bằng robot, công việc cho người lao động vì thế cũng sẽ ít đi. Hiện mình đang hướng cho các em học thêm một số lĩnh vực mà robot không thể làm được, có thể sẵn sàng thích ứng ngay để sinh tồn.”, anh Trần Mạnh Huy trăn trở.  

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh