THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Trẻ hạnh phúc hơn khi được cha mẹ tôn trọng và thấu hiểu

Để trẻ được quyền nói

Một người mẹ trẻ cho biết, chị hoảng hồn khi cô con gái mới 5 tuổi giận dữ thắc mắc rằng: Tại sao khi mẹ đang nói chuyện với ai đó, con nói xen vào mẹ bắt con trật tự, thậm chí, có lúc mẹ còn quát “im đi”; nhưng khi con nói chuyện với mẹ, mẹ chẳng nghe gì cả, mẹ cứ “ờ ờ”, thậm chí mẹ còn quay sang nói chuyện với bố hoặc gọi điện thoại cho bạn. Thế là thế nào hả mẹ? Tại sao mẹ nói thì được mà con nói thì không được?!

Trẻ cần được cha mẹ tôn trọng. Ảnh minh họa.

Trẻ cần được cha mẹ tôn trọng. Ảnh minh họa.

Có công bằng không khi chúng ta bắt trẻ phải lắng nghe cha mẹ nói, không được xen vào khi mình đang nói chuyện với ai đó nhưng lại không đủ kiên nhẫn để lắng nghe điều con muốn nói. Nếu bạn muốn con nghe lời, thì điều đầu tiên, hãy học cách lắng nghe và tôn trọng lời nói của con. Nếu trẻ nói lan man, hãy cố gắng kiên nhẫn nghe cho hết câu chuyện và giúp con rút gọn câu từ để lần sau nếu muốn nói điều gì, con có thể trình bày ngắn gọn và lưu loát hơn. Điều này không chỉ thể hiện bạn luôn quan tâm và sẵn sàng lắng nghe con mà còn giúp con rèn luyện khả năng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.

Một hoạt động tuyên truyền về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thông về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới năm 2023 ở Thừa Thiên – Huế.

Một hoạt động tuyên truyền về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thông về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới năm 2023 ở Thừa Thiên – Huế.

Một người mẹ khác than phiền rằng, con của chị nói quá nhiều, chị thấy ù hết cả tai vì nghe con kể lể mọi thứ trên trời dưới biển. Tôi thì không nghĩ việc trẻ nói nhiều ở nhà là một sự phiền toái, thậm chí đó là một niềm hạnh phúc. Trẻ nói nhiều là vì trẻ đang học cách giao tiếp với mọi người, trẻ muốn được cha mẹ quan tâm và muốn thể hiện sự quan tâm của mình với cha mẹ. Hãy lắng nghe trẻ nói vì quãng thời gian tuyệt vời này thực sự sẽ không kéo dài đâu. Ngay khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ ít nói dần, thậm chí là không thích nói chuyện với cha mẹ, chúng thường trả lời khi được hỏi chứ hiếm khi chủ động bắt chuyện. Và khi đến tuổi trưởng thành, số con cái có thể ngồi cả tiếng đồng hồ để chuyện trò với cha mẹ lại càng trở nên hiếm hơn.

Rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái. Tôn trọng không phải là bất chấp đồng ý những yêu cầu dù rất phi lý từ con cái, cũng không phải để con “tự lực cánh sinh” trong những quyết định quan trọng về nghề nghiệp, sở thích cũng như cách sống…

Vậy thế nào là tôn trọng đúng cách? Tôn trọng là việc bố mẹ cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con cái, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất. Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân. 

Tôn trọng là 1 trong 4 tiêu chí ứng xử chung của Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VH-TT&DL ban hành năm 2022.

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được xây dựng nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Tôn trọng quyền riêng tư của con

Chị Thu Minh, mẹ của một bé gái năm nay 13 tuổi, cho biết, gần đây chị thấy con hay chú ý đến hình thức, học hành chểnh mảng, có lần xin phép mẹ sang nhà bạn học nhóm nhưng chị lại bắt gặp cả hai đang uống trà sữa, tán chuyện ngoài đường. Chị quyết định phải theo dõi xem tại sao con có nhiều hành động khác thường như vậy.

Học sinh tìm hiểu về Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Học sinh tìm hiểu về Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Một lần, con quên thoát Facebook trên điện thoại của mẹ, chị liền vào phần tin nhắn đọc. Thì ra, con gái chị đã có bạn trai, là một anh học lớp 8 cùng trường. Người bạn thân của con cũng có bạn trai học cùng lớp. Lịch sử tin nhắn cho thấy con dành khá nhiều thời gian để chat với người bạn thân cũng như bạn trai. Sau đó, chị tạm khóa tài khoản Facebook của con, nghiêm cấm con sử dụng điện thoại. Lo sợ con sa đà vào chuyện yêu đương, bỏ bê học hành, chị cấm con không được liên hệ với bạn trai, đồng thời bắt con ngừng chơi với bạn thân.

Ngay lập tức, con gái chị “bật” lại mẹ. Cô bé không đồng ý cách làm của mẹ, thậm chí còn lớn tiếng: “Mẹ là người lớn mà cư xử không đàng hoàng”. Một cái bạt tai giáng xuống nhưng không làm con bé run sợ mà chỉ khiến nó tức giận hơn. Nó kể tội chị: “Mẹ đọc trộm tin nhắn là không tôn trọng con. Mẹ bắt con chơi với người này, không chơi với người kia là áp đặt. Con có thể không yêu nếu như điều đó khiến mẹ lo lắng, nhưng mẹ không thể cấm con chơi với người bạn thân nhất được”. Thậm chí, cô bé còn nói to như hét vào mặt mẹ: “Con ghét mẹ, mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con”.

Học sinh ở Thừa Thiên - Huế tìm hiểu về những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

Học sinh ở Thừa Thiên - Huế tìm hiểu về những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

Chị Minh thực sự bị sốc, tại sao sự quan tâm, lo lắng cho con cái của chị lại bị hiểu nhầm thành “mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con?”. Chị đã yêu thương con sai cách ư?

Để bảo vệ con, đôi khi cha mẹ kiểm soát thái quá, thậm chí xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của trẻ. Chúng ta nghĩ như vậy sẽ tốt cho con, nhưng thực tế đây lại là sai lầm, làm mối quan hệ cha mẹ - con cái càng trở nên xa cách. Mặt khác, việc thiếu đi không gian riêng tư có thể khiến trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân. Ảnh minh họa

Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân. Ảnh minh họa

Cha mẹ hãy gõ cửa khi vào phòng con, xin phép khi sử dụng đồ của con, không trách móc khi con dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn gia đình… Những việc làm này có thể khiến trẻ cảm thấy mình được cha mẹ tôn trọng như một người trưởng thành.

Thay vì cố gắng kiểm soát trẻ để bảo vệ chúng, cha mẹ hãy thường xuyên hỏi chuyện để biết con đang gặp phải các khó khăn gì, có bị bạn bắt nạt hay không, có thích bạn khác giới nào không hoặc con muốn được cha mẹ đối xử như thế nào…

logo CD Vu GD

Bình Yên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh