THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:46

Nêu cao vai trò của người cao tuổi trong thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình

Ông bà làm gương sáng cho con cháu noi theo

Có thể nói gia đình là một môi trường đào tạo những hành vi ứng xử tốt nhất, liên tục và bền vững nhất. Nếu mỗi gia đình đều chú trọng đến ứng xử văn hóa cho các cá nhân thì cả cộng đồng sẽ tự khắc trở thành cộng đồng văn hóa. Trong đó người cao tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng trong gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai Bộ Tiêu chí.

Gia đình đa thế hệ sống hạnh phúc bên nhau, trong đó người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng giữ nền nếp gia đình. Ảnh minh họa

Gia đình đa thế hệ sống hạnh phúc bên nhau, trong đó người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng giữ nền nếp gia đình. Ảnh minh họa

Thực tế đại đa số là gia đình 2 thế hệ, nhiều gia đình 3 thế hệ, 4 thế hệ, trong đó không thể không có vai trò, vị thế của người cao tuổi. Mô hình gia đình đa thế hệ của người Việt thể hiện sự hòa thuận, gắn bó cao về tình cảm theo huyết thống. Các thành viên trong gia đình đa thế hệ có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ.

Theo nhiều chuyên gia, lợi ích lớn nhất mà tất cả các thành viên sống trong cùng một mái nhà nhận được là tình cảm. Khi ông bà đến tuổi về hưu, ở nhà giúp con cháu một số công việc trong gia đình sẽ thấy mình là người có ích hơn. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm hơn. Còn với những người trẻ, việc sống chung với ông bà sẽ giúp mỗi người phát triển hoàn thiện hơn, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi khi họ ốm đau. Việc sống chung với ông bà cũng giúp những người trẻ giảm được nguy cơ sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Bởi vậy, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành đã đưa ra những nội dung quan trọng đều liên quan tới người cao tuổi trong gia đình. Đó là 2 trong tổng số 5 Tiêu chí, gồm: “Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương”, “Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép”.

Nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể: Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; Quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; có tình cảm gắn bó tha thiết. Con, cháu có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu.

Việc thực hiện Bộ Tiêu chí đã làm thay đổi đáng kể đời sống văn hoá ở Thủ đô

Ông Đinh Việt Thắng, Ủy viên Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội chia sẻ, về những nội dung đề cập tới việc ứng xử với người cao tuổi trong Bộ Tiêu chí là rất cần thiết, đồng thời còn đặt ra tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà phải hiếu thảo, lễ phép là để các thành viên trong các gia đình có dịp đánh giá và nhìn nhận lại mối quan hệ này để điều chỉnh lại hành vi của mình nếu gia đình đó đang bị lệch chuẩn.

Ông Đinh Việt Thắng, Ủy viên Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”

Ông Đinh Việt Thắng, Ủy viên Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”

Vì vậy, các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình luôn có những tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu.

Ông Đinh Việt Thắng cho biết, các cấp Hội Người cao tuổi trên địa bàn TP đã gắn kết chặt chẽ công tác và các phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”,... với các phong trào của TP như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”,... và các mô hình trong xây dựng gia đình văn hóa như “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình tứ đại đồng đường”, “Gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Gia đình, dòng họ khuyến học”… nhằm thực hiện đúng khẩu hiệu hành động của Hội Người cao tuổi “Sống vui, Sống khỏe, Sống hạnh phúc” trong gia đình và cộng đồng trên địa bàn Thủ đô những năm qua. Qua đó, khẳng định Hội Người cao tuổi các cấp của TP đã luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của gia đình và vận động xây dựng gia đình văn hóa.

Tiêu biểu như các đơn vị: Huyện Ứng Hòa triển khai mô hình CLB “Gia đình văn minh, hạnh phúc”; huyện Đan Phượng vận động đông đảo gia đình hội viên Người cao tuổi thực hiện Bộ Tiêu chí; huyện Thanh Trì nhân rộng mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch”; huyện Chương Mỹ tổ chức tọa đàm “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”… quận Tây Hồ với tỷ lệ  gia đình văn hóa đạt 96,31%, quận là địa phương thuộc nhóm đầu của TP có kết quả tốt trong công tác quản lý nhà nước về gia đình. Quận đã triển khai Bộ Tiêu chí, bản cam kết, in ấn thành các bản tuyên truyền gửi tới từng phường, từng gia đình, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Thông qua việc tuyên truyền, vận động thực hiện Bộ Tiêu chí đã xuất hiện một số gương điển hình văn hóa ứng xử trong gia đình có thể kể đến như: gia đình bà Đỗ Thị Dụ, phố Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông với 4 thế hệ, 39 thành viên chung sống thuận hòa, luôn năng nổ cùng việc làng, việc xóm; gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức con cháu thành đạt, sống gương mẫu trong cộng đồng; gia đình bà Trần Thị Loát, phường Đức Giang, quận Long Biên có sự nghiệp vững chắc và cháu chắt học hành tấn tới…

Có thể nói, Phong trào xây dựng Gia đình văn hoá nói chung, việc thực hiện Bộ Tiêu chí trên địa bàn TP thời gian qua đã làm thay đổi đáng kể đời sống văn hoá ở Thủ đô, tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, sống có đạo lý giúp nhau cùng tiến bộ, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Để Bộ Tiêu chí lan tỏa sâu rộng mạnh mẽ hơn, ông Đinh Việt Thắng đề xuất một số giải pháp sau: Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các ngành, đoàn thể, chính quyền trong việc thực hiện Bộ Tiêu chí với Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa và các phong trào khác một cách đồng bộ, thiết thực. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền nên tiếp tục đi sâu, nắm vững nội dung và biện pháp thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa nói chung và việc thực hiện Bộ Tiêu chí trên địa bàn TP nói riêng, để công tác chỉ đạo thực hiện đạt được sự thống nhất và đồng bộ, phát hiện, động viên, biểu dương kịp thời các tập thể và gia đình tiêu biểu, gương mẫu, có nhiều cách làm hay, kinh nghiệm tốt trên toàn địa bàn toàn TP.

logo CD Vu GD

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh