Trẻ em Gia Lai đối thoại nhiều vấn đề “nóng”
- Dược liệu
- 16:56 - 30/03/2022
92 trẻ em đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố đại diện cho 264.390 thiếu nhi trong toàn tỉnh tham gia buổi đối thoại. Tại buổi đối thoại, em Đinh Vũ Nhật Minh, lớp 9A, Trường THCS Trưng Vương (thị xã An Khê) đặt câu hỏi: “Trong bối ảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, trẻ em cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần. Đối với những học sinh có bố mẹ và người thân bị nhiễm bệnh với triệu chứng nặng, phải cách ly tập trung, tỉnh ta đã có những giải pháp nào để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ?”.
Trả lời câu hỏi của Minh, bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: Để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở đã phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn gia đình, trẻ em truy cập đường link, video, tài liệu hướng dẫn kỹ năng phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em. Tổ chức cấp phát hơn 39 ngàn tờ rơi hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại của trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Sở đã triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Trong đó, hỗ trợ cho trẻ em thuộc đối tượng F0, F1 là 1 triệu đồng/trẻ và tiền ăn 80.000 ngàn đồng/người/ngày trong thời gian điều trị (từ ngày 27/4 - 31/12/2021). Ngoài ra, Sở còn rà soát, thực hiện hỗ trợ cho 14 trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19 và 5 trẻ em con sản phụ bị mắc Covid-19 với tổng số tiền 75 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề học tập trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, em Siu Hằng, lớp 9, Trường Tiểu học-THCS Nguyễn Khuyến (huyện Chư Prông) đặt câu hỏi: “Khi có F0 trong lớp học thì lớp sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến nhưng nhiều bạn học sinh không đủ điều kiện, thiết bị học tập. Các cô, chú có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?”.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, Sở đã phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1627/KH-UBND ngày 25/10/2021 về phát động và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh với mục đích huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các em học sinh khó khăn có điều kiện học tập trong thời gian học trực tuyến theo phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Sở cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông bố trí nguồn lực triển khai phương án phủ sóng các điểm chưa kết nối Internet di động trên địa bàn tỉnh; đề xuất, triển khai hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ việc dạy và học trực tuyến.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Long cũng thông tin thêm, qua rà soát, toàn tỉnh hiện còn hơn 21.000 học sinh thuộc diện hộ nghèo chưa có thiết bị học trực tuyến. Sở đã huy động nguồn lực để mua 12.000 máy tính bảng tặng cho các em và tiếp tục có biện pháp để tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập.
Trước lo lắng của em Đinh Thị Viên, lớp 9A - Trường Tiểu học và THCS Chơ Glong (huyện Kông Chro) về tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như mong muốn có biện pháp để hạn chế tình trạng này, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho hay, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn ra tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh có 896 vụ tảo hôn, riêng huyện Kông Chro có 67 vụ tảo hôn. Để góp phần hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là những người có con đang ở độ tuổi vị thanh niên, học sinh THPT, THCS... về các nội dung như: Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình; tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân tại các thôn, làng ký cam kết không vi phạm tảo hôn. Đồng thời, thành lập 61 câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn” gồm 1.720 thành viên tham gia; chủ yếu là phụ nữ đang có con gái, con trai ở độ tuổi từ 10 đến 20 tuổi.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng, hàng năm, Tỉnh Đoàn, Sở GD&ĐT đều phối hợp tổ chức chương trình Tiếp xúc, đối thoại giữa HĐND tỉnh với trẻ em theo những chủ đề phù hợp với nhu cầu chính đáng của thiếu nhi. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chương trình là cơ hội để lắng nghe các cháu nói và đặt ra trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành cũng như của đại biểu HĐND tỉnh. “Tất cả ý kiến của các cháu đã được đại diện các sở, ngành giải đáp một cách thấu đáo. Trong thời gian tới, bằng nhiều kênh khác nhau, các cháu có thể tiếp tục gửi ý kiến, đề xuất đến với các địa phương. Với tinh thần trách nhiệm, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ những vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là những vấn đề mà trẻ em quan tâm, với quyết tâm bảo vệ trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước”, ông Hồ Văn Niên nhấn mạnh.