THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:09

Triển khai “Vaccine số” để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Kiên quyết xử lý các kênh, nhóm có nội dung độc hại với trẻ em

Cả nước có khoảng 24,7 triệu là trẻ em và 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet, 43,4% số các em có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng/ngày. Thực tế, môi trường Internet mang lại nhiều lợi ích, cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều cạm bẫy khó lường với nhóm đối tượng chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân.

Đa dạng các hình thức truyền thông về sử dụng internet an toàn.

Đa dạng các hình thức truyền thông về sử dụng internet an toàn.

Thực tế, thông tin độc hại với trẻ em trên mạng khá phổ biến, nhất là trên các mạng xã hội, website của nước ngoài. Có rất nhiều nhóm mở, nhóm kín có các nội dung độc hại, nguy hiểm với không ít thành viên là trẻ em. Chỉ cần vô tình tìm kiếm hoặc tham gia, mọi người sẽ thấy hàng loạt kết quả, nhóm có nội dung độc hại. Khi hoạt động của nhiều trẻ vẫn phụ thuộc chính vào mạng trong tình hình Covid-19 hiện nay, các em rất dễ bị dụ dỗ vào hội nhóm xấu trên mạng xã hội.

Thời gian qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã phối hợp với Cục Trẻ em, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cùng các đơn vị có liên quan rà soát, xử lý hơn 30 kênh, nhóm có nội dung độc hại đối với trẻ em, trong đó có những kênh có số lượng thành viên là trẻ em rất lớn như TimmyTV với gần 768.000 thành viên, nhóm Team2K9 có hơn 821.000 thành viên. Giữa bối cảnh không gian mạng đầy rẫy cạm bẫy khó lường với trẻ em, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lúng túng trong xử lý các tình huống gặp phải khi cho con mình có tham gia vào những nhóm có nội dung độc hại.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng bảo vệ trẻ em (Cục trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu (web đen) trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.

Sẽ có cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên mạng

Cũng theo đại diện Cục An toàn thông tin, một mục tiêu của Cục này trong năm nay là nâng cao nhận thức của người dùng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng. Cụ thể, sắp tới Cục An toàn thông tin sẽ trình Bộ TT&TT ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng cho trẻ em; phát hành bộ cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đây là các tài liệu đưa ra khuyến cáo cho những người sử dụng mạng cũng như hướng dẫn cụ thể để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Bộ TT&TT đã thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hoạt động của Mạng lưới được cập nhật tại website vn-cop.vn. Hiện website này đã cung cấp tính năng “Báo cáo xâm hại”. Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin sẽ triển khai chiến dịch “Vaccine số” nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho của trẻ em, cha mẹ, giáo viên và người dùng Internet. Song song đó, Cục triển khai chương trình đánh giá các sản phẩm về bảo vệ trẻ em, sản phẩm hỗ trợ trẻ em sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng và khuyến nghị sử dụng.

Đại diện Cục An toàn thông tin cũng cho rằng, cha mẹ cần luôn chú ý theo sát việc sử dụng Internet, nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng trẻ sử dụng cũng như mối quan hệ của trẻ trên môi trường mạng; đồng thời quan tâm tới những thay đổi bất thường để đảm bảo trẻ em luôn được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời.

Cha mẹ cần đồng hành và hướng dẫn trẻ em thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro và đảm bảo an toàn khi tham gia hoạt động trên mạng; che chở, động viên khi trẻ gặp khó khăn, rắc rối, bị bắt nạt hoặc bị xâm hại. Môi trường mạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với trẻ. "Chú ý" và "che chở" là 2 từ mà cha mẹ cần luôn ghi nhớ. Phải luôn chú ý tới suy nghĩ, hành vi, thay đổi, các mối quan hệ của trẻ và phải luôn che chở khi trẻ gặp các vấn đề, rắc rối khi tham gia môi trường mạng.

Việc đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt. Bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con ở mỗi độ tuổi khác nhau. Từ quan điểm này, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, Chuyên gia Giáo dục kĩ năng số cho rằng: Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số. Cấm đoán thường có tác dụng ngược, khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro; và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con.

K.VÂN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh