Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Cách nhận biết và can thiệp sớm
- Chia sẻ
- 18:49 - 28/07/2023
Theo ThS.BS Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương), chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về… Thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ).
Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Đa số trẻ sẽ bắt kịp đà phát triển khi 4 tuổi nếu được can thiệp sớm và tích cực. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn còn những khó khăn về ngôn ngữ sau 4 tuổi, vì vậy vẫn cần những biện pháp can thiệp lâu dài.
Một số yếu tố nguy cơ của chậm phát triển ngôn ngữ: Trẻ em trai mắc nhiều hơn trẻ em gái khoảng 3 lần; Gia đình có người bị chậm phát triển ngôn ngữ (cha mẹ, anh chị); Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân khi sinh, có biến chứng khi sinh.
Biểu hiện của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Chậm phát triển ngôn ngữ có thể xuất hiện đơn độc ở trẻ, hoặc là một trong nhiều triệu chứng của các rối loạn giao tiếp và rối loạn phát triển khác. Vì vậy, khi cha mẹ cần lưu ý phát hiện các bất thường khác đi kèm, bao gồm những bất thường về hàm mặt, về bộ máy phát âm.
Khả năng nghe hiểu của trẻ: Trẻ kém phản ứng với âm thanh, hoặc không hiểu lời nói, không hiểu mệnh lệnh. Trẻ cần kiểm tra thính lực (sức nghe) trong những trường hợp bất thường về phát triển ngôn ngữ.
Kém các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội: Gọi ít đáp ứng, giảm nhìn mắt, thờ ơ, ít chơi với các bạn cùng lứa, không biết khoe mách hoặc chia sẻ mối quan tâm, không có các cử chỉ như chỉ ngón, vẫy tay chào, gật/ lắc đầu…
Các hành vi bất thường: động tác chơi tay, vẫy tay bất thường, đi kiễng chân, quay tròn người, cuốn hút quá mức vào một đồ vật, sự việc nào đó…
Hoạt động nhiều quá mức, rất khó ngồi yên, khó duy trì sự tập trung chú ý trong vài phút. Những cơn cáu giận vô cớ, xuất hiện thường xuyên, cường độ mạnh.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ chậm phát triển ngôn ngữ?
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp ở trẻ sẽ đem lại cơ hội điều trị tốt hơn. Vì thế, khi cha mẹ thấy con mình có những bất thường kể trên, cần sớm đưa đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín: Nhằm đánh giá toàn diện các kỹ năng phát triển của trẻ, phát hiện các nguyên nhân hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ, thực hiện các trắc nghiệm tâm lý cần thiết.
Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu ngành trong chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt Nam. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ được thăm khám bởi đội ngũ cán bộ đa ngành, bao gồm bác sĩ, các nhà tâm lý lâm sàng, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà trị liệu ngôn ngữ giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu, nhiệt tình, yêu trẻ. Cha mẹ của trẻ sẽ được hướng dẫn, tư vấn cụ thể về các hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho trẻ tại gia đình.
Trẻ chậm nói được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ, các nhà tâm lý lâm sàng, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà trị liệu ngôn ngữ tại Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu khám và can thiệp các rối loạn phát triển, các rối loạn tâm thần trẻ em, Khoa Tâm thần – bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai khám bệnh ngày thứ 7 hàng tuần.
Đồng thời, để giảm bớt chi phí và các thủ tục trong quá trình khám, từ tháng 7/ 2023, Khoa Tâm thần đã triển khai các gói khám trong trường hợp trẻ nghi ngờ tự kỷ, nghi ngờ tăng động.
Một số hướng dẫn phát triển ngôn ngữ ở trẻ em
Vui chơi với trẻ là cách thức tốt nhất giúp trẻ học ngôn ngữ. Thông qua các hoạt động chơi tương tác với cha mẹ hoặc với trẻ em khác, trẻ sẽ bắt chước cách phát âm, diễn đạt mong muốn, hiểu yêu cầu của người khác… Trong lúc chơi, cha mẹ hãy cố gắng thực hiện các điều sau:
Diễn đạt bằng lời những gì trẻ đang làm, đang quan tâm hoặc bạn đang làm, đang quan tâm, nhằm cung cấp môi trường giàu lời nói cho trẻ. Cố gắng thực hiện theo nguyên tắc nói chậm, nói rõ, nói câu ngắn, nói nhấn mạnh. Ví dụ: “đẩy ô tô”, “mở cửa”…
Làm mẫu với những từ ngữ mà bạn mong đợi con phát âm. Ví dụ: “mở ra”, “mẹ lấy”… Khen ngợi với bất cứ nỗ lực phát âm nào của con, cho dù chưa rõ lời.
Hạn chế câu mệnh lệnh. Quá nhiều câu mệnh lệnh hoặc câu hỏi sẽ khiến trẻ bối rối, từ chối nói. Ví dụ: thay vì hỏi “con nói ‘hoa’ đi”, hãy nói “con xem này, hoa”
Đưa ra các lựa chọn, và đợi trẻ phản ứng với lựa chọn bằng cử chỉ hoặc âm thanh. Ví dụ: “Con ăn chuối hay cam. Chuối. Cam”
Đọc sách hoặc nói chuyện với trẻ một cách thường xuyên, như là một phần trong các hoạt động hàng ngày.