THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:02

Giúp con phòng, chống xâm hại tình dục

Cung cấp kiến thức giới tình từ nhỏ!

     Ngay từ nhỏ, người lớn nên cung cấp những kiến thức về giới tính cho con. Dạy trẻ biết tôn trọng bản thân, không để ai xâm phạm. Một cách nhẹ nhàng và khéo léo, nên nói với con rằng những bộ phận “nhạy cảm” không để người khác chạm vào cũng như không được chạm vào của các bạn khác hay của người lớn. Và chỉ rõ cho trẻ thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào đồng thời, dạy bé trai không được xâm phạm các bạn nữ. Dạy trẻ đừng bao giờ nói chuyện với người lạ. Trong trường hợp nguy hiểm, trẻ phải biết cách để trẻ có thể nói dối để thoát khỏi nguy hiểm. Trẻ phải được biết cách nhận dạng những hành vi xấu như: Ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối… Lúc đó, phải kiên quyết phản đối, thậm chí có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy trốn tới nơi đông người. Trẻ phải được dạy, mọi người luôn sẵn sàng bảo vệ khi trẻ bị đe dọa. Dạy cháu nhớ số điện thoại của bố, mẹ và những người thân khác trong gia đình cùng các số điện thoại khẩn cấp như 115, 113…

     Không nên để trẻ nhỏ ở nhà, đến nơi công cộng hoặc đi ra chỗ vắng một mình, không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu. Những trẻ nhút nhát, tự ti, ít bạn bè thường dễ bị kẻ xấu tấn công. Nên thường xuyên tạo điều kiện để trẻ chia sẻ với bạn về những mối quan hệ với những người xung quanh, đó cũng là cơ hội để phát hiện kịp thời các biểu hiện thay đổi cơ thể và tâm lý của con. Sự gần gũi, quan tâm thường xuyên và tinh ý của cha mẹ đối với những hành vi phi ngôn ngữ của con mới có thể nhận biết những dấu hiệu cho thấy con mình bị xâm hại và ngăn chặn kịp thời.

Trẻ em như búp trên cành, rất cần sự quan tâm dạy bảo của bố mẹ

Nhận biết trẻ bị xâm hại

     Khi trẻ bị xâm hại sẽ có nhiều dấu hiệu khác nhau. Có thể chỉ là việc tự nhiên trẻ hay qua lại nhà của một ai đó, vào một thời điểm nhất định nào đó. Có thể là thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt với đối tượng. Có thể trẻ bị giật mình, thoáng vui, thoáng buồn, khóc lóc, gặp ác mộng, thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người…

     Khi trẻ bị xâm hại, bố mẹ hãy gần gũi bé, khuyến khích bé cởi mở tâm trạng. Tuỳ vào mức độ và chất lượng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà có thể nói chuyện với con về sự việc đã xảy ra ở mức độ cụ thể nhất định và đừng để cho con có cảm giác phải che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng bé. Một lỗi mà nhiều gia đình mắc phải là thường thái quá trong cách xử lý vấn đề: Làm quá lên mức độ trầm trọng (kiện tụng, đăng báo, báo công an, các tổ chức đoàn thể, kể lể khắp nơi…) hoặc ngược lại, dấu nhẹm mọi chuyện, kín như bưng trước những lời xì xào và cái nhìn tò mò của mọi người.

     Đối tượng mọi người quan tâm lúc này là kẻ phạm tội và việc cần làm là trừng trị tên “yêu râu xanh”. Các bậc cha mẹ mê mải tìm cách “trả hận” cho con chứ không mấy quan tâm đến việc chữa trị những chấn thương tâm lý cho con, vô tình làm tổn thương thêm đứa trẻ. Điều gia đình nên làm lúc này chính là đặt bé lên hàng đầu. Phải tìm cách để giúp bé vượt qua giai đoạn khủng hoảng, thậm chí phải trị liệu tâm lý nếu cần thiết để tránh những ảnh hưởng nặng nề về sau.

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh