Trẻ bị tăng động giảm chú ý cha mẹ đừng chủ quan
- Y học 360
- 22:31 - 01/01/2020
Khi trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), cha mẹ thường rất lo lắng sẽ điều trị cho con như thế nào? Có khỏi được không?
Trước hết, một tin vui với phụ huynh là chứng tăng động giảm chú ý hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu áp dụng đúng phương pháp. Tuy nhiên, để tìm ra được cách điều trị tốt nhất, cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ với các bác sĩ, nhà trị liệu, giáo viên và huấn luyện tại nhà. Và quá trình điều trị cho trẻ giảm các triệu chứng và ít gặp vấn đề hơn trong cuộc sống hàng ngày không hề đơn giản.
1. Khuyến cáo điều trị cho trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD)
Đối với trẻ em bị tăng động giảm chú ý dưới 6 tuổi, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị cha mẹ nên sử dụng phương pháp quản lý hành vi thay vì lựa chọn dùng thuốc. Bởi lẽ với trẻ nhỏ có thể xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn do thuốc.
Đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, các bác sĩ khuyến nghị sử dụng đồng thời cả thuốc và liệu pháp hành vi để đạt hiệu quả cao nhất.
2. Phương pháp điều trị
Tâm lý trị liệu: Tâm lý trị liệu có thể hữu ích trong việc khiến trẻ cởi mở, xử lý tốt hơn các mối quan hệ trong cuộc sống.
Trị liệu hành vi: Mục tiêu của trị liệu hành vi (BT) là dạy cho trẻ cách theo dõi hành vi của chính mình, sau đó thay đổi hành vi một cách phù hợp. Cha mẹ sẽ dạy cho con cách để đối phó với các tình huống nhất định.
Đào tạo kỹ năng xã hội: Việc làm này rất hữu ích nếu một đứa trẻ gặp rắc rối với môi trường xã hội. Cũng tương tự như BT, mục tiêu của đào tạo kỹ năng xã hội là dạy cho trẻ những hành vi mới và phù hợp hơn.
Các nhóm hỗ trợ: Rất tốt để giúp cha mẹ của trẻ mắc tăng động giảm chú ý kết nối với những người khác có thể chia sẻ kinh nghiệm và mối quan tâm tương tự.
Sử dụng thuốc: Thuốc có thể giúp trẻ kiểm soát các triệu chứng tăng động giảm chú ý trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đa phần các loại thuốc đều gây tác dụng phụ như chán ăn, khó ngủ, khó tăng cân, đau đầu, đau dạ dày...
3. Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ trẻ phát triển một cách tốt nhất?
Tạo thói quen: Cố gắng lên kế hoạch, sau đó hướng dẫn con tuân theo cùng một lịch trình mỗi ngày, từ giờ thức dậy đến giờ đi ngủ.
Hạn chế sự tác động từ bên ngoài: Tắt TV, hạn chế tiếng ồn và cung cấp không gian làm việc yên tĩnh cho con. Một số trẻ bị ADHD học tốt nếu chúng di chuyển hoặc nghe nhạc nền. Hãy theo dõi con bạn và xem những gì sẽ khiến trẻ thoải mái hơn.
Hãy rõ ràng và cụ thể khi nói chuyện với con: Hãy để con biết rằng bạn đang lắng nghe bằng cách tương tác thường xuyên, tích cực. Sử dụng các hướng dẫn rõ ràng, ngắn gọn khi yêu cầu con làm một việc gì đó.
Giúp con lên kế hoạch: Trẻ tăng động giảm chú ý sẽ khó tập trung vào một việc, vì vậy rất cần cha mẹ hỗ trợ trong việc đặt mục tiêu, lên kế hoạch. Hãy chia nhỏ các nhiệm vụ phức tạp thành các bước đơn giản hơn, ngắn gọn hơn. Đối với các nhiệm vụ dài hơi, thời gian nghỉ giải lao có thể giúp trẻ hạn chế căng thẳng.
Đặt mục tiêu, đừng quên khen ngợi và trao thưởng: Liệt kê mục tiêu và theo dõi các hành vi tích cực, sau đó cho con bạn biết rằng chúng đã hoàn thành như thế nào. Nếu con làm tốt, hãy thưởng cho những nỗ lực của chúng. Hãy chắc chắn rằng các mục tiêu thực tế và được chia nhỏ để dễ thực hiện.
Cung cấp một lối sống lành mạnh: Thực phẩm bổ dưỡng, hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc rất quan trọng; chúng có thể giữ cho các triệu chứng tăng động giảm chú ý không trở nên tồi tệ hơn.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder - ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý.
Có 3 dạng rối loạn tăng động giảm chú ý:
Hiếu động – bốc đồng: Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý dạng này sẽ rơi vào tình trạng hiếu động và bốc đồng quá mức.
Không chú ý: Triệu chứng nổi bật nhất là ít chú ý.
Kết hợp hiếu động – bốc đồng và giảm chú ý: Trường hợp này có triệu chứng của cả hai trường hợp trên.