CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

Sự khác biệt giữa hiếu động và tăng động ở trẻ nhỏ.

Trẻ tăng động sẽ kém tập trung trong mọi lĩnh vực. Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 3-10% các cháu tuổi học đường mắc tăng động giảm chú ý (ADHD). Hiện chưa có thống kê trên toàn quốc ở nước ta, riêng TP.HCM qua một kết quả điều tra tại 8 trường cho thấy, 6,5% các cháu tuổi học đường mắc ADHD, trong đó tập trung nhiều ở cấp 1 và tỉ lệ nam gấp 2-3 lần nữ.

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn tâm lý gia đìnhtrẻ em (TP HCM) cho rằng, tăng động ở trẻ hiện nhiều, tỷ lệ 1/30 trẻ bình thường. Trẻ em thường hiếu động, nghịch ngợm chạy nhảy, đứng ngồi không yên là điều bình thường. Nhưng trẻ có hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý sẽ khác. Đó là một tình trạng có những tổn thương về thần kinh mang tính di truyền mà nguyên nhân cơ bản là sự thiếu hụt về liều lượng những chất dẫn truyền trong các tế bào não.

Trẻ nghịch quá, bản thân chúng kiểm soát được sự nghịch đấy, thích thì nghịch không thích ngồi yên. Khi cha mẹ đưa một cái gì đó ra “dụ” trẻ sẽ nghe không nghịch nữa – tức là điều khiển được hoạt động.

Còn tăng động sẽ không điều khiển được, chúng chạy nhảy vận động không ngừng, không biết mệt mỏi, chỉ trừ lúc ngủ có biểu hiện ngủ ít và khó ngủ hơn những trẻ khác. Chúng không thể ngồi yên được một chỗ. Nếu bắt ngồi thì chúng vặn vẹo, ngọ nguậy chân tay không ngừng. Trẻ cứ nghịch vậy, cha mẹ dù có đem những thứ trẻ thích hay dọa cũng chả nghe. Hoặc vào giật đồ thì lăng xăng tiếp, không điều khiển được hành vi của chúng. Trẻ kém tập trung trong mọi lĩnh vực, đưa đến những khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp và các sinh hoạt khác.

“Điều đáng nói là dù có đi khám hay được các giáo viên mẫu giáo cảnh báo nhưng nhiều cha mẹ vẫn không nghĩ và không tin con mình có tình trạng như vậy” – Chuyên viên tâm lý cho biết.

Trẻ trên 3 tuổi những rối loạn về vận động và kém chú ý mới bộc lộ rõ ràng. Ảnh minh hoạ.

Theo các chuyên gia tâm lý, dù mang tính bẩm sinh nhưng thường trẻ trên 3 tuổi những rối loạn về vận động và kém chú ý mới bộc lộ rõ ràng. Tuổi dễ nhận thấy nhất là 5 – 12 tuổi vì đây là tuổi đi học, cho dù tình trạng này đã có trước đó nhiều năm. Trẻ tăng động rõ nhất là khi ngồi học không nghe cô giảng, trẻ hết quay bên nọ lại sang bên kia, tự nhiên lấy đồ của bạn, tự nhiên đứng lên, tự động bỏ chỗ không xin phép cô giáo, gây mất trật tự trong lớp. Khi cô giáo hỏi, trẻ thường trả lời ngay khi chưa nghe hết câu hoặc thường nói leo khi chưa đến lượt trả lời. Nếu càng bắt chúng ngồi yên chúng càng ngọ nguậy.

Chơi với các bạn, trẻ thường không biết nhường nhịn, dễ gây gổ đánh lộn nếu trái ý, trẻ không đủ kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình… Những đứa trẻ này hình như không biết tuân thủ các nội quy quy định ở trường hay trong các trò chơi tập thể, dễ dàng tham gia vào các trò nguy hiểm mà không nghĩ đến hậu quả.

Được biết, nếu trẻ tăng động không được chăm sóc tốt, can thiệp sớm, tình trạng này kéo dài dễ khiến trẻ gặp nhiều trở ngại trong các mối quan hệ, ứng xử và sẽ có những ảnh hưởng nặng nề khi trẻ trưởng thành.

“Phụ huynh tuyệt đối không nên phạt, la mắng, dùng bạo lực với trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động, mà cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn uốn nắn, giúp trẻ điều chỉnh hành vi. Điều này càng làm cho tình trạng của trẻ tồi tệ hơn. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cấm trẻ nghịch là điều sai lầm và khó khả thi. Khi đó vẫn cho trẻ nghịch nhưng cần định hướng cho trẻ”.

Việc trị liệu cho trẻ tăng động giảm chú ý phải tập trung vào hai điểm. Nếu biết được sự rối loạn của trẻ thiên về biểu hiện nào nhiều hơn chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề đó để có những biện pháp can thiệp phù hợp. Cần phải phối hợp giữa các nhà chuyên môn với phụ huynh và có thời gian. Bố mẹ của trẻ ADHD có một vai trò quan trọng và góp phần tích cực trong việc giúp cho con em mình ngày càng ổn định hơn.

Các chuyên viên tâm lý qua các biện pháp chăm sóc và giáo dục sẽ tiến hành một số buổi trị liệu mang tính chuyên biệt tại một cơ sở, mỗi tuần từ 1 -2 lần, mỗi lần chỉ từ 1 – 1h30 trong lĩnh vực tâm vận động và chỉnh âm. Phụ huynh qua sự góp ý của nhà tâm lý, sẽ tiến hành việc trị liệu hành vi và hướng dẫn con em qua các bài tập tại gia đình cũng như xây dựng một lịch hoạt động, là một công cụ rất cần thiết để giúp trẻ biết phân biệt các ý niệm về thời gian và không gian.

Các buổi can thiệp này không phải là các hoạt động chính mà chỉ là sự phối hợp và hỗ trợ với phụ huynh trong việc chăm sóc con tại gia đình, phụ huynh cần có những tác động nhất định thì trẻ mới có thể có được những biến chuyển tốt. Đây chính là mô hình tiên tiến nhất để có thể giúp trẻ phát triển và hội nhập với sự cộng tác tích cực giữa: Chuyên Môn – Tình yêu thương – Kỹ thuật phù hợp.

HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh