CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:10

Trẻ bị tăng động, cha mẹ tưởng con hiếu động

 

Theo Tổ chức y tế thế giới, 3-10% các cháu tuổi học đường mắc bệnh tăng động giảm chú ý. Hiện ở nước ta chưa có con số thống kê trên toàn quốc, song theo kết quả điều tra của Bệnh viện tâm thần Hà Nội tại 8 trường, có khoảng 6,5% trẻ ở lứa tuổi học đường mắc chứng rối loạn tăng tăng động giảm chú ý, tập trung nhiều ở lứa tuổi tiểu học và tỉ lệ nam gấp 2-3 lần nữ...

*Những dấu hiệu của bệnh

Phần lớn trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường bị cho rằng nghịch ngợm quá mức và sống tắc trách chứ không được hiểu rằng các em bị bệnh. “Trẻ chậm chạp, kém linh hoạt so với bạn bè, hoặc quá hiếu động, kém tập trung… nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng” - Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết.

Hầu hết bệnh được phát hiện ở những năm đầu trẻ đến trường vì lúc đó phải tiếp xúc với những môi trường mới có những quy tắc, nề nếp nhất định. Quá trình tiến triển của bệnh rất phong phú. Các triệu chứng biểu hiện dai dẳng, có thể kéo dài tới tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành chiếm khoảng 50% các trường hợp.

Trẻ bị tăng động, giảm chú ý có thể bùng phát các cơn thịnh nộ hoặc giận giữ ở những thời điểm không phù hợp.

Bệnh tăng động giảm chú ý khiến trẻ có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc phát triển lòng tự trọng, thành tích học tập ở trường kém và gặp rắc rối trong các mối quan hệ khiến cuộc sống của trẻ gặp khó khăn. Ví dụ, trong lớp, có thể dẫn đến thành tích học tập kém và chịu sự chế giễu hay trách mắng từ bạn học và người lớn. Chính vì sự tăng động nên trẻ dễ bị tai nạn và thương tích nhiều hơn so với trẻ khác. Căn bệnh này khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp. Đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao trở nên lạm dụng rượu và ma túy cũng như các  hành vi phạm pháp khác.

Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý không được công nhận là đang bị bệnh. Thay vào đó, người ta cho rằng trẻ nghịch ngợm quá mức và sống tắc trách. Chúng không được điều trị theo phương pháp thích hợp và dẫn tới hậu quả xấu.

*7 dấu hiệu con bạn bị tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý là một rối loạn tâm thần phức tạp có thể ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ ở trường và các mối quan hệ cộng đồng. Không may, các triệu chứng của nó rất đa đạng và đôi khi khó nhận ra.  Dưới đây là 7 dấu hiệu phổ biến có thể chỉ ra bé bị tăng động.

1. Tôi, tôi, tôi

Một dấu hiệu thường gặp của trẻ tăng động là không có khả năng nhận biết được nhu cầu và mong muốn của người khác. Trẻ có thể cắt ngang lời người khác khi họ đang nói chuyện và rất khó khăn khi chờ đến lượt, chẳng hạn như trong hoạt động trong lớp và khi chơi đùa với các bạn.

2. Xáo trộn tình cảm

Trẻ tăng động giảm chú ý có thể khó mà kiềm chế được cảm xúc - cả tốt và xấu. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ hoặc giận giữ ở những thời điểm không phù hợp.

3. Bồn chồn, không yên

Dường như trẻ có một chiếc "động cơ luôn hoạt động" ở trong người. Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường không thể ngồi im. Chúng sẽ cố gắng đứng lên và chạy xung quanh, hoặc khi buộc phải ngồi xuống, chúng thường liên tục ngọ nguậy hoặc vặn vẹo trong ghế.

4. Không hoàn thành nhiệm vụ

Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể thích thú với rất nhiều thứ, nhưng không theo những thứ đó đến tận cùng. Thường thì trẻ sẽ bắt đầu một dự án, hay một công việc, hoặc bài tập về nhà, nhưng bỏ dở giữa chừng và quay sang thứ khác thu hút sự chú ý của chúng.

5. Thiếu tập trung

Trẻ mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc chú ý ngay cả khi đang bị người lớn nhắc nhở. Trẻ nói là đang nghe lời bạn, nhưng khi được yêu cầu lặp lời của bạn, trẻ sẽ không biết nói gì.

6. Lỗi lơ lễnh

Điều quan trọng cần nhớ là trẻ bị tăng động giảm chú ý không hề kém thông minh so với các bạn khác. Vấn đề là, chúng gặp khó khăn để lắng nghe các lời hướng dẫn rằng cần lập kế hoạch hay thực hiện một kế hoạch, dẫn tới những lỗi do lơ đễnh.

7. Mơ màng

Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường được mô tả điển hình là hay huyên náo, ồn ào, nhưng có những trường hợp không phải thế. Một dạng khác của chứng này thì yên tĩnh hơn và ít liên quan đến bạn bè. Trẻ có thể nhìn lơ đãng ra ngoài trời, như đang mơ màng, và bỏ lơ những điều đang diễn ra quanh mình.

*Phòng và điều trị bệnh

Việc phòng bệnh tăng động giảm chú ý  không đơn giản vì nguyên nhân chưa rõ ràng và có yếu tố di truyền nhưng chúng ta cũng có thể phòng ngừa bằng cách tránh những yếu tố nguy cơ như đảm bảo an toàn sinh nở, phòng chống những bệnh gây tổn thương não bộ, không hút thuốc uống rượu khi mang thai, tránh tiếp xúc với các chất kim loại nặng, thuốc trừ sâu, không sử dụng các phẩm màu thực phẩm gây độc hại. Hạn chế trẻ tiếp xúc nhiều với màn ảnh. Không cho trẻ em xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử quá nhiều trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời.

Khi trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám tại các chuyên khoa nhi và chuyên khoa tâm thần. Nếu không can thiệp kịp thời sẽ thiệt thòi cho đứa trẻ sau này. Điều trị thường bao gồm thuốc và những can thiệp về hành vi. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể tạo nên một sự khác biệt lớn trong kết quả điều trị bệnh.

Thái An (Theo BS Trần Ngọc Hồi- Bệnh viện Nhi TW)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh