THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:19

Trao giải Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động vì bình đẳng giới

Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình được phát động từ ngày 27/3/2019 nhằm tìm kiếm ý tưởng xây dựng một bộ sản phẩm truyền thông mẫu đầy đủ, thống nhất, đẹp, hấp dẫn, có khả năng truyền tải các thông điệp và dễ sử dụng cho các tài liệu truyền thông và các sự kiện hưởng ứng Tháng hành động.

 Cuộc thi cũng nhằm lan toả thông điệp về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về xây dựng cuộc sống bình đẳng và không bạo lực, đồng thời huy động cam kết của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phối hợp triển khai các hoạt động của Tháng hành động và sử dụng thống nhất bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông của Tháng hành động. Sau một thời gian phát động, Ban giám khảo đã lựa chọn 1 tác phẩm đạt giải và 2 giải khuyến khích. Bộ sản phẩm đạt giải này sẽ được Ban tổ chức lựa chọn làm bộ mẫu truyền thông gửi tới các bộ, ngành, địa phương để áp dụng thống nhất trong Tháng hành động.

Trao giải Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động vì bình đẳng giới - Ảnh 1.

Trao giải cho các tác giải đoạt giải.

Phát biểu tại lễ trao giải, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến cho biết, Hiến pháp 2013 đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới, như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp, các ngành đã từng bước được hoàn thiện góp phần vào những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, trở ngại trong tiến trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Đặc biệt, bạo lực trên cơ sở giới được xem như là một trở ngại lớn trong việc giảm bất bình đẳng giới ở Việt Nam và nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bắt nguồn từ tư tưởng định kiến giới. Với một quốc gia mang đậm văn hóa Nho giáo, việc thay đổi văn hóa truyền thống trọng nam hơn nữ không phải là một việc làm đơn giản, có thể thực hiện trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.

Trao giải Cuộc thi thiết kế bộ nhận diện Tháng hành động vì bình đẳng giới - Ảnh 3.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến chia sẻ về tháng hành động.

Theo tôi thấy ở xã hội Việt Nam đối tượng phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi và trong nhiều tình huống còn gọi là bất công. Những vụ bạo lực gia đình vẫn xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta mà nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ. Đó là một thực trạng xã hội đáng buồn cần phải thay đổi. Theo tôi, muốn phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cần hội tụ nhiều yếu tố: thứ nhất cần phải nâng cao ý thức về bạo lực giới ở trong xã hội. Người phụ nữ cần phải lên tiếng khi bị bạo lực không được im lặng vì điều này sẽ có hại cho chính họ và cho xã hội. Thái độ của mọi người trong xã hội phải bày tỏ quan điểm rõ ràng bảo vệ nạn nhân chưa nói đến vai trò pháp luật.

Họa sĩ Lưu Tuấn Anh – tác giả đoạt giải nhất cuộc thi

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020, bắt đầu từ năm 2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với mục đích tạo một chiến dịch truyền thông rộng lớn trên khắp toàn quốc để thu hút sự tham gia, vào cuộc và sự chung tay thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Trong 3 năm vừa qua, đã có nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức triển khai từ trung ương tới cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Cùng trong sự kiện, Hội thảo tham vấn Kế hoạch truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2019, nhằm trao đổi các nội dung về xây dựng Kế hoạch tài liệu, hướng dẫn triển khai Tháng hành động cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương trên cả nước; tổ chức các hội thảo, tập huấn và các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; điều phối, kết nối các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động được tổ chức bởi các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Theo Ban tổ chức, lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, ở cấp Trung ương dự kiến sẽ được tổ chức tại Quảng Ngãi vào ngày 9/11 tới đây. Các địa phương, tùy theo tình hình cụ thể, tổ chức phát động Tháng hành động từ ngày 10 đến 15/11.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh