CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:25

Tổng kết Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2019

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương phát biểu tại Hội thảo

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành thành viên của Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương, như: Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số Sở LĐ-TB&XH cùng đại diện các đơn vị liên quan.

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 được phát động từ ngày 1 đến 31/5/2019 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc” đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Tính đến ngày 9/8/2019, Ban chỉ đạo Tháng hành động Trung ương đã nhận được báo cáo của 54 địa phương,15 bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty…  

Các đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực tổ chức Tháng hành động năm nay là: Các Bộ LĐ - TB&XH, Y tế, Quốc phòng, Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân VN; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Than Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam… Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tháng hành động, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình tổ chức Tháng hành động. Trong qúy II/2019 tổ chức thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật ATVSLĐ đối với 8 tập đoàn, tổng công ty và 10 công trình xây dựng trên cả nước. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam đã có 27 doanh nghiệp và 30 gia đình trong khu vực không theo hợp đồng lao động cũng đã được tiến hành kiểm tra…


Quang cảnh hội thảo

Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động hưởng ứng Tháng hành động, chỉ đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, bệnh nghề nghiệp miễn phí cho 1000 người lao động tiếp xúc với dung môi và hóa chất tại Công ty giày Rieker Việt Nam tại Quảng Nam; các đơn vị y tế khám sức khỏe định kỳ cho gần 320.000 người lao động, tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động cho gần 1.900 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức hội nghị, hội thảo về chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức hơn 2.600 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ gần 4.520 doanh nghiệp, phát hiện gần 650 doanh nghiệp có sai phạm về công tác ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng và chuyên môn xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ thiết thực, hiệu quả; các cấp công đoàn đã thăm hỏi, động viên và tặng quà cho hơn 7.680 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức gần 4.750 lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho gần 211.700 cho cán bộ công đoàn và ATVSLĐ trong đó huấn luyện cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là hơn 1.260 người; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ cho gần 3.500 doanh nghiệp; tổ chức hơn 1.460 hội thi ATVSLĐ giỏi cấp tỉnh và cấp cơ sở tạo phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực về đảm bảo an toàn trong lao động...

Các địa phương: Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Tiền Giang, Tuyên Quang, Bến Tre, Thái Bình, Khánh Hòa... đã có nhiều đổi  mới trong hoạt động  thông tin, truyền thông; đặc biệt, một số địa phương đã chú trọng đến công tác huấn luyện như: TP Hồ Chí Minh (thanh tra, kiểm tra 7181 doanh nghiệp), Hà Nội (thanh tra, kiểm tra 751 doanh nghiệp), Quảng Bình (thanh tra, kiểm tra 441 doanh nghiệp), Quảng Ninh (thanh tra, kiểm tra 380 doanh nghiệp).

Địa phương đã có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành như: TP Hồ Chí Minh (thanh tra, kiểm tra 13.047 doanh nghiệp), Quảng Nam (thanh tra, kiểm tra 762 doanh nghiệp), Đồng Tháp (thanh tra, kiểm tra 716 doanh nghiệp), Quảng Ninh (thanh tra, kiểm tra 616 doanh nghiệp), Cà Mau (thanh tra, kiểm tra 540 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc chưa được thường xuyên; các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương tham dự hưởng ứng tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được nhiều; các nội dung hoạt động hưởng ứng Tháng hành động trong khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động còn hạn chế, chưa phong phú; công tác tổng kết, báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động ở nhiều địa phương còn chậm như: Đồng Tháp, Lai Châu, Lạng Sơn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Gia Lai, Lâm Đồng; một số báo cáo còn chung chung, không báo cáo theo phụ lục hướng dẫn, không đánh giá kết quả, gây khó khăn cho cơ quan thường trực trong việc nắm tình hình, tổng hợp số liệu báo cáo Chính phủ (Bình Phước, Thái Nguyên, Đồng Nai, Vĩnh Long). Một số địa phương vẫn để xảy ra tai nạn chết người trong Tháng hành động như: Hậu Giang, Hòa Bình, Nam Định, Kiên Giang, Lào Cai.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động đã đưa ra kế hoạch đổi mới tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020. Theo đó, Năm 2020, Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ của Trung ương sẽ được đổi mới, tổ chức theo hướng gọn nhẹ, kết hợp một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ và tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn các kỹ năng về an toàn lao động tới doanh nghiệp, cộng đồng, khu vực phi kết cấu. Địa điểm tổ chức tại Hà Nội. Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2020 sẽ do Trưởng ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát động và truyền tải thông điệp về chủ đề ATVSLĐ của năm.

Tại các bộ, ngành, địa phương: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng cụ thể, thiết thực về ATVSLĐ tùy theo điều kiện của bộ, ngành, địa phương để hưởng ứng Tháng hàng động theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/TT- BLĐTBXH ngày 20/2/2017 của Bộ LĐ-TB&XH về tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả cho người lao động.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam – đơn vị đăng cai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 chia sẻ kinh nghiệm tổ chức 


Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương trong chỉ đạo, điều hành tổ chức các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019; sự tích cực hưởng ứng của các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như: Thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động; tổ chức các hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi; các cuộc thanh tra tại cơ sở... Có thể nói, hoạt động của Tháng hành động đã tạo được sự lan tỏa lớn trong xã hội. Đến nay, không chỉ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty mà cả các cấp huyện, các doanh nghiệp nhỏ cũng tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng Tháng hành động.

Từ những việc đã làm được trong năm 2019, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận đóng góp ý kiến rút kinh nghiệm để đổi mới cách thức tổ chức Tháng hành động năm 2020 sao cho gọn nhẹ, nhưng thiết thực, ý nghĩa, tạo sức lan tỏa lớn.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh