THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:52

Trao giải cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II

 

Ngày 16/5,  tại Hà Nội, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT)  tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II, năm học 2018 – 2019.

 

Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam phát biểu tại Lễ trao giải.


Tại lễ tổng kết, ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, được tổ chức lần đầu vào năm học 2017-2018 với gần 11.000 tác phẩm tham gia, cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Nhiều đơn vị, trường học thu hút được cả học sinh và cán bộ, giáo viên tham gia với hàng nghìn tác phẩm dự thi. Trong đó có nhiều đơn vị vùng sâu, vùng xa như Trường THPT Xín Mần (Hà Giang), ngành Giáo dục huyện Tây Hòa (Phú Yên),  ngành Giáo dục Hà Tĩnh, ngành Giáo dục Phú Thọ.

Năm học 2018-2019, Cuộc thi tiếp tục nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trên cả nước, đạt gần 15.000 tác phẩm tham dự. Các tác phẩm dự thi được viết ở nhiều thể loại khác nhau, với nhiều câu chuyện xúc động không chỉ ở trên bục giảng, nhà trường mà còn trong cuộc sống thường nhật của các nhà giáo.

Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức cho hay, sau khi chấm các vòng Ban Giám khảo đã trao giải cho 11 tác phẩm, bao gồm: 1 giải Nhất,  2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích.

 

Tổng biên tập báo GD&TĐ Triệu Ngọc Lâm trao giải cho 2 tập thể.


Chất lượng các bài thi khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại những xúc cảm cho người đọc bởi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo luôn hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục. Tiêu biểu như cô Tôn Nữ Quỳnh Dương - người giáo viên tận tụy, tình nguyện làm công tác xã hội. Cô đã giúp đỡ, dạy học cho nhiều học sinh nghèo, có mảnh đời cơ cực tại Nhà Bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng, Thừa Thiên - Huế. Hay hình ảnh người thầy giáo mù truyền lửa cho các em học sinh khiếm thị ở Tam Kỳ, Quảng Nam; là tấm gương về nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tâm huyết trong giảng dạy, yêu nghề, “cắm bản” gieo chữ, vận động bà con đóng góp để xây thêm phòng học, vận động gia đình để học sinh đến trường ở thôn Trấm (Quảng Trị); hình ảnh thầy giáo ở vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) nhiều năm âm thầm nuôi dưỡng các em mồ côi tại trường, trong khi nhiều năm thầy cô giáo trẻ lo lương không đủ trang trải; câu chuyện về cô giáo Điệp ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) quyết tâm xây dựng mô hình bán trú cho học sinh vùng cao…

Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành Giáo dục, là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền đất nước.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh