Trao giải cuộc thi báo chí về Nông thôn mới năm 2018
- Dược liệu
- 00:43 - 13/05/2019
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao giải A cuộc thi báo chí về Nông thôn mới năm 2018
Cùng tham dự có: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành và Đại sứ quán ASEAN tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường Cho biết: Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương đặt quyết tâm để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới cán đích trước 01 năm so với mục tiêu của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,76% (là mức cao nhất trong 7 năm gần đây); kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức 40 tỷ USD, là kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 2 trong ASEAN, thứ 15 trên thế giới và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Các đại biểu tham dự chương trình.
Trong năm 2018, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. 2 Chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, và đã góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao. Các Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững trong tổ chức sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện môi trường sống; phát triển văn hóa xã hội; phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức 40 tỷ USD, là kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 trên thế giới và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành một phong trào sâu rộng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân, góp phần quan trọng thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Đến hết tháng 4/2019, cả nước đã có 4.340 xã (48,68%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra còn có 3 địa phương là Nam Định, Đà Nẵng, Bình Dương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; Bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí; Có 72/664 đơn vị cấp huyện thuộc 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm 10,8% đơn vị cấp huyện) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả năm 2018 là nền tảng để năm 2019, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương đặt quyết tâm để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới cán đích trước 01 năm so với mục tiêu của Quốc hội đặt ra, với số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt hơn 50%.
Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao giải B cuộc thi báo chí về Nông thôn mới năm 2018
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với lĩnh vực giảm nghèo bền vững, đến hết năm 2018, tỷ lệ nghèo của cả nước chỉ còn 5,35%, giảm 1,37% so với năm 2017. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng được xã hội quan tâm, ủng hộ và có nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia hưởng ứng. Đóng góp vào những kết quả tích cực của năm 2018 có sự tham gia tuyên truyền, cổ vũ động viên mạnh mẽ của các cơ quan thông tấn, báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên, quay phim, biên tập viên, kỹ thuật viên trong cả nước, từ trung ương đến địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Bộ NN&PTNT - Trao giải C
“Cuộc thi báo chí viết về xây dựng nông thôn mới không chỉ là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo tham gia tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả của phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, khơi dậy tiềm năng, nỗ lực vượt qua khó khăn, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, xã hội và toàn dân chung sức, đồng lòng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Do vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương khẳng định công tác truyền thông là một giải pháp quan trọng để chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới thành công trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Bộ NN&PTNT - Trao giải khuyến khích cho các nhà báo.
Tại Chương trình, Ban tổ chức đã trao giải cho 39 tác phẩm được công nhận đoạt giải “Cuộc thi báo chí viết về Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020” năm 2018 gồm: 4 giải A, 7 giải B, 11 giải C và 17 giải khuyến khích ở 4 loại hình báo chí cho các nhà báo.
Nhân dịp này, thay mặt Ban tổ chức, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã phát động Cuộc thi báo chí về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dành cho các nhà báo ASEAN. Mục đích của Cuộc thi là nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong các nước ASEAN, một vấn đề vừa mang tính khu vực và mang tính toàn cầu. Cuộc thi cũng sẽ góp phần phản ánh, truyền thông rộng rãi về những thành tựu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam.
10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CÁC CHƯƠNG TRÌNH MTQG NĂM 2018 1. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã bứt phát để hoàn thành vượt mức mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao, đến hết năm 2018 cả nước có 43,02% số xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu hoàn thành mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn trong năm 2019, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. 2. Hoàn thiện tiêu chí, đề án và triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mấu ở cấp xã và thí điểm ở cấp huyện. Ngày 05/6/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg Ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 áp dụng cho cả nước và đến hết 2018 đã có 31 tỉnh thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, 04 tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình nông thôn mới đã có bước chuyển mình vững chắc, đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững. 3. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 được phê duyệt và triển khai trên cả nước. 4. Đến hết 2018 đã có 1.194 thôn bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tinh thần đề án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản ở vùng có điều kiện khó khăn. 5. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình nông thôn mới năm 2018 tăng hơn 50% so với năm 2017, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp đạt 43,8 nghìn tỷ đồng (bằng ½ cả giai đoạn 2011-2015) nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và được sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội, cơ bản xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng yêu cầu tiến độ của Quốc hội. 6. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1,35% so với năm 2017 xuống còn 5,38%, đây là năm thứ ba liên tiếp mục tiêu giảm nghèo hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm nghèo do Quốc hội giao. 7. Biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, đã có 8 huyện, 38 xã và 30 hộ điển hình đại diện cho 981.545 hộ gia đình thoát nghèo được nhằm vinh danh. 8. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bỏ lại phía sau” tiếp tục được thực hiện với sự tham gia, ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Quỹ Vì người nghèo với số tiền hơn 863 tỷ đồng. 9. Đã có 501 hộ gia đình bao gồm 365 hộ nghèo và 136 hộ gia đình người có công tại 20 huyện nghèo thuộc 11 tỉnh được hỗ trợ 20 tỷ đồng để làm nhà từ kinh phí bán áo thi đấu và trái bóng có chữ ký của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tặng Thủ tướng Chính phủ; Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo lần thứ 2 được thực hiện thành công. 10. Lần đầu tiên Báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam được xây dựng và công bố. Báo cáo đã đưa ra bức tranh tổng quan về xu hướng giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. |