THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Trao Bằng tốt nghiệp cho 511 học sinh, sinh viên


Về dự buổi lễ có TS Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), ông Trần Minh Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN, đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, đại diện doanh nghiệp, cùng tập thể cán bộ giáo viên và các em học sinh, sinh viên (HSSV) Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ.

Trao Bằng tốt nghiệp cho 511 học sinh, sinh viên  - Ảnh 1.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, học sinh trung cấp khóa 12 là học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Vì vậy Nhà trường đã phối hợp với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo chương trình 2 trong 1, đảm bảo sau 3 năm học, học sinh ra trường được cấp 2 bằng: Bằng trung cấp và Bằng THPT quốc gia.

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ cũng đã thành lập Ban văn hóa THPT trực thuộc Ban giám hiệu để điều hành riêng mảng đào tạo THPT hệ giáo dục thường xuyên, thay mặt nhà trường phối hợp với các trung tâm triển khai kế hoạch học các môn VHPT. Hiện tại, Quy mô đào tạo VHPT hệ giáo dục thường xuyên của Trường tương đương với 1 trường THPT cỡ trung với tổng số 25 lớp: 10 lớp 10, 7 lớp 11 và 8 lớp 12 với tổng số học sinh trên 1.100 em.

Trao Bằng tốt nghiệp cho 511 học sinh, sinh viên  - Ảnh 2.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, Đặng An Bình trao giấy khen cho các sinh viên.

Để triển khai đào tạo song song 2 chương trình trung cấp và THPT hệ giáo dục thường xuyên, Nhà trường chia khối lượng đào tạo nghề trong 3 năm học với thời lượng đào tạo nghề: 15 giờ/ tuần. Học sinh học 6 ngày/tuần, từ thứ Hai đến thứ Bảy trong đó: 3 ngày học nghề và 3 ngày học VHPT, đảm bảo không quá 6h/ngày. Mô hình này đã được Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ thực hiện từ năm 2014 đến nay và đã có những thành quả nhất định. Số lượng học sinh nghỉ học hàng năm giảm. Tỉ lệ học sinh học song song 2 chương trình bỏ học thấp hơn rất nhiều so với khi nhà trường chỉ đào tạo nghề không kết hợp đào tạo VHPT. Ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến với Nhà trường để gửi gắm con em mình

Đối với trình độ cao đẳng, thời gian đào tạo: 2,5 năm với tổng số tín chỉ từ 90 – 105/chương trình đào tạo, trong đó, tỉ trọng cho các môn học, mô đun chuyên môn nghề: 80%. Sinh viên có từ 600 – 720h đi thực tập tại doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên được thể nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp sinh viên tự tin đảm nhiệm vị trí công việc sau khi tốt nghiệp.

Trao Bằng tốt nghiệp cho 511 học sinh, sinh viên  - Ảnh 3.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình (phải) và Hiệu trưởng Đặng An Bình trao bằng tốt nghiệp cho 30 HSSV tiêu biểu, đại diện cho hơn 500 HSSV toàn khóa

Trong quá trình học tập, HSSV của Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo Tổng cục GDNN đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho đào tạo theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt với các nghề trọng điểm gồm: Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Quản trị mạng, Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí.

Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, gắn với thực tế đào tạo, chương trình đào tạo của trường, tập trung hướng vào hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho HSSV nên kết cấu chương trình: 70% thời lượng cho thực hành và 30% thời lượng cho lý thuyết. Đồng thời để học sinh, sinh viên được trải nghiệm và trực tiếp làm việc thực tế tại doanh nghiệp sản xuất.

Chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của trường dành từ 12 – 15 tuần/khóa học cho mô đun: Thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp. Nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với trên 40 doanh nghiệp có liên quan đến các nghề Nhà trường đào tạo.

Trao Bằng tốt nghiệp cho 511 học sinh, sinh viên  - Ảnh 4.

Lãnh đạo Ban Giám hiệu nhà trường trao học bổng cho các HSSV đã có nhiều nỗ lực trong học tập, rèn luyện

Do công tác chuẩn bị khá tốt, 98,84% học sinh, sinh viên tham gia dự thi tốt nghiệp và có 98,46% các em có kết quả tốt nghiệp đạt yêu cầu. Tỉ lệ học sinh, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp Khá, Giỏi đạt 70,68%. Nhiều học sinh, sinh viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng nay sau khi kết thúc đợt thực tập tại doanh nghiệp.

Chúc mừng thành tích của các em, thầy Đặng An Bình, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghệ nhớ lại, cách đây 3 năm, vào ngày 9/10/2018, trong buổi gặp mặt đầu tiên của Ban giám hiệu nhà trường với HSSV khóa học 2018 - 2021, lãnh đạo Ban giám hiệu nhà trường đã khẳng định: "Quyết định học tập tại trường là một lựa chọn thiết thực và đúng đắn, đáp ứng với khả năng, năng lực của các em. Mặc dù với học sinh học trung cấp vừa tốt nghiệp THCS phải học đồng thời 2 chương trình: chương trình trung cấp và chương trình THPT (hệ giáo dục thường xuyên) các em sẽ rất vất vả, vất vả hơn các bạn cùng trang lứa, khi chỉ học chương trình THPT".

Nhưng hôm nay, trải qua sau 3 năm nỗ lực học tập, rèn luyện, bước đầu đã cho thấy sự đúng đắn trong định hướng của gia đình, sự lựa chọn của các em; đồng thời minh chứng cho sự cam kết, khẳng định của đại diện Ban giám hiệu nhà trường. Các em đã có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề, có thể tự tin đi làm tại các doanh nghiệp hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

"Con đường học tập của các em chỉ thành công khi sự lựa chọn của các em phù hợp với điều kiện, khả năng, năng lực của mình. Kết quả đạt được của các em HSSV cao đẳng khóa 12 hệ 2,5 năm, trung cấp khóa 12, niên khóa 2018 – 2021 và cao đẳng liên thông khóa 13 đã phản ánh nghiêm túc chất lượng đào tạo của Nhà trường. Đó là coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Đặng An Bình khẳng định.

Trao Bằng tốt nghiệp cho 511 học sinh, sinh viên  - Ảnh 5.

Đại diện doanh nghiệp hợp tác với nhà trường tại buổi Lễ

Dự và phát biểu tại buổi lễ, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá cao nỗ lực cố gắng của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ trong giai đoạn gần đây, thể hiện qua tỷ lệ tuyển sinh ngày càng cao, chất lượng ngày càng được khẳng định. "Nhìn gương mặt rạng rỡ của các em tại lễ bế giảng cho thấy các em đã tự tin, sẵn sàng bước vào giai đoạn mới của cuộc đời", Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, đất nước đang trong giai đoạn phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng đã đặt mục tiêu, đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ðến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Với mục tiêu đó, Chính phủ, các cấp, các ngành đã xác định phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt, trong đó GDNN đóng vai trò quan trọng. Để phát triển, cần chú trọng phát triển lực lượng lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tiền đề cho lực lượng này chính là các HSSV tại các cơ sở GDNN.

Nhắn nhủ đến các em HSSV, TS Phạm Vũ Quốc Bình hy vọng, tin tưởng, các em sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ ứng dụng được kiến thức, kỹ năng học được trên ghế nhà trường vào trong công việc sắp tới. Làm nghề với phương châm yêu nghề, yêu ngành.

Đối với các em học sinh trung cấp có thể lựa chọn tiếp tục học liên thông lên cao đẳng để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc sau này. Với các em học sinh THCS, TS Phạm Vũ Quốc Bình nhắn nhủ: "Nghề nào cũng là nghề cao quý và nghề nào cũng được tôn vinh. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Do đó, trên cơ sở sự hỗ trợ định hướng nghề nghiệp của các thầy cô giáo, các em cần cân nhắc khả năng, thế mạnh, sở thích của mình để có lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình cũng đề nghị, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ trên cơ sở phát huy những kết quả đạt đước, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em HSSV. Trong đó, với các em học sinh THCS theo học 9+ phải có môi trường phù hợp vừa hình thành nhân cách cho các em, vừa giúp các em rèn luyện được kỹ năng nghề. Nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các trường THPT, THCS tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh theo định hướng của Chính phủ.


VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh