THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:52

Tranh đất nghĩa địa, một người tử vong

 

Án mạng từ việc tranh đất nghĩa địa

Theo lời kể của ông Trần Cao Có, họ hàng với ông Nhân, khoảng gần 6 rưỡi sáng 10/6, ông Nhân đến báo việc gia đình ông Hòa lấn đất nghĩa trang gia tộc ông Nhân. Nghe vậy, ông Có đi cùng ông Nhân ra nghĩa địa để kiểm tra. Lúc này, khoảng 10 người đang chuẩn bị đào huyệt an táng cụ Nguyễn Văn L., cha ông Hòa ngay đám đất cạnh ngôi mộ của cụ Ngô Thị K., bà nội của ông Nhân và ông Có. Ông Nhân nói với ông Hòa: “Sao mấy ông lại đào huyệt ở đây, miếng đất này gia đình tôi đã chọn để khi chú tôi mất thì chôn ở đó!”. Ông Nhân vừa dứt lời thì bị ông Hòa xông vào đánh, quá bất ngờ, ông Có chỉ kịp nhìn thấy ông Nhân ngã huỵch xuống đất và nằm bất động. Ngay lập tức, ông Có chạy đi báo tin cho người thân đến đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Bà Nguyễn Thị Na, chủ tiệm tạp hóa ở thôn 3 Châu Bí cho biết, khoảng 6h20 hôm đó, ông Nhân đến tiệm của bà mua thức ăn. Tại đây, ông Nhân phàn nàn với bà Na: “Gia đình ông L. con cái đông mà không lo được huyệt mộ cho cha mà đi lấn mộ bà nội tôi, tôi lên nhổ cọc cắm ra chỗ khác rồi”. Ông Nhân vừa dứt lời thì ông Hòa đi xe máy dừng trước cửa tiệm gọi ông Nhân ra nói chuyện. Ông Nhân trả lời: “Tôi biết rồi, để tôi gọi người ra giải quyết” rồi lấy xe máy chạy đi gọi ông Có. Khoảng 15 phút sau đó, bà Na bàng hoàng khi nghe tin ông Nhân bị đánh bất tỉnh ngoài nghĩa địa cách đó 300 mét.

Ông Trần Cao Có thuật lại chuyện ông Hòa đánh ông Nhân.

 

Việc ông Nhân bị đánh khiến người dân địa phương vô cùng bất ngờ bởi ông là người rất hiền lành, chưa bao giờ gây mâu thuẫn với ai. Được biết, ông Nhân vốn mồ côi cha mẹ từ lúc 3 tuổi. Lớn lên, ông lấy Vợ sinh con, nhưng hôn nhân trắc trở, ông một mình nuôi 2 con nhỏ. Để có tiền nuôi con, ông Nhân phải làm việc quần quật suốt ngày, bất kể trưa hay tối. Ông Nhân mất đi để lại 2 người con chưa lập gia đình, người con út lại đang tuổi ăn học. 

 

Giành đất không phải của mình!

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Hồng Hạnh, chị ruột ông Nhân cho biết, nhiều năm trước, gia đình bà có xây bờ gạch bao quanh một khoảng đất trống trong nghĩa địa của xã để làm nghĩa trang gia tộc. Trong khuôn viên này đã có ngôi mộ bà nội bà là cụ Ngô Thị K. Cạnh đó là nơi dự kiến sẽ an táng chú của bà khi ông này qua đời. Thế nhưng, gia đình cụ L. đã tự ý cắm mốc đào huyệt trên phần đất cạnh mộ cụ K. nên gia đình bà không đồng ý. Điều làm bà Hạnh bức xúc là sau khi đánh ông Nhân bất tỉnh, Hòa đã bỏ đi khỏi hiện trường. Những người còn lại chỉ đứng nhìn mà không tìm cách cứu nạn nhân. Một người trong bọn họ còn nói: “Nó giả vờ đau đấy!”.  

Trong khi đó, ông Hòa lại cho rằng việc làm của ông Nhân cản trở gia đình ông đào huyệt là sai. Bởi, theo quan điểm của ông Hòa, đất trống nghĩa địa do xã quản lý, không thuộc quyền hữu của bất kỳ cá nhân nào. Vị trí đất mà gia đình ông dự kiến đào huyệt cách mép ngôi mộ cụ K. hơn 3m và đã được UBND xã cho phép. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Hòa đưa ra bản phô-tô giấy xác nhận có đóng dấu của UBND xã Điện Tiến.

 Bà Hạnh bức xúc vì ông Hòa đã đánh dẫn đến cái chết của em trai mình.

 

Để có thể phân định đúng sai trong câu chuyện này, chúng tôi đã tìm gặp ông Lê Văn Sinh, thôn trưởng thôn 3 Châu Bí. Ông Sinh cho biết, nơi xảy ra tranh chấp đất nằm ở khu vực Đồng Canh. Nhiều năm trước, xã Điện Tiến đã quy hoạch khu đất này làm nghĩa địa để bố trí an táng khi có người trong xã qua đời. Xã không cấp trước đất nghĩa địa cho bất kỳ cá nhân hay gia tộc nào khi không có người chết. Xã cũng đã nhiều lần thông tin cho toàn dân các quy định về sử dụng quỹ đất nghĩa địa. Thế nhưng, nhiều gia đình trong xã đã xây bờ gạch bao quanh những khoảng đất trống để xí phần làm nghĩa trang gia tộc. Việc làm này hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp lý vì không đúng quy định chung.

Ông Sinh cũng cho rằng, việc các gia đình chọn nơi đắc địa để xây “mồ yên mả đẹp” cho người thân là điều dễ thông cảm, vì nó thể hiện truyền thống hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất. Hơn nữa, xét về thuật phong thủy, vị trí đặt mộ của người đã khuất có liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống của con cháu và cả dòng tộc. Việc ông Nhân cản trở gia đình người khác đào huyệt mộ là không đúng nhưng cũng chỉ dừng ở mức đơn giản là nhổ cọc mốc. Còn hành động đánh người của ông Hòa là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải bị xử lý thích đáng để giáo dục, răn đe những người khác có ý định dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Nói về hành động đánh ông Nhân dẫn đến tử vong, ông Hòa thừa nhận mình đã sai. Tuy nhiên, Hòa cho rằng nguyên nhân là do ông quá bức xúc khi ông Nhân cản trở việc an táng cha ông, coi thường chuyện hệ trọng của gia đình ông. Ông Hòa nói trong ân hận: “Chỉ vì chút nóng giận, tôi đã gây ra cái chết cho anh Nhân và làm liên lụy đến cả gia đình”.  

Sơn Tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh