Tranh cãi về clip kiệu quay trong lễ hội 'húc' vỡ kính ôtô
- Văn hóa - Giải trí
- 18:58 - 02/03/2015
Chưa mở hội, sao nói kiệu quay phá ôtô?
Hình ảnh clip cho thấy 1 đầu gồm 2 đòn khiêng của chiếc kiệu trong lễ hội đang chuyển động và va đập làm vỡ kính chiếc xe Kia Morning màu trắng 4 chỗ. Trong khi đó, những thanh niên đang khiêng kiệu chỉ biết… bất lực.
Cộng đồng mạng 'nhốn nháo' bình phẩm. Nhiều người đưa ra những comment với lời lẽ, ngôn ngữ không chuẩn mực, thô tục...
Một số nhận định có phần suy diễn, đây là hành động cố ý của nhóm thanh niên khiêng kiệu, lợi dụng nghi thức của lễ hội để đập phá tài sản của người khác vì… ghen ăn tức ở.
Một số người cất công mổ xẻ, phân tích, truy cứu… và kết luận: Hình ảnh này diễn ra tại Lễ Hội đình làng Xuân Đỉnh, nơi tổ chức lễ hội có nghi thức rước kiệu hàng năm và lễ hội nào cũng có hiện tượng kiệu quay.
Có những câu chuyện kèm theo được kể lại như 'người thạo tin' trên nhiều trang mạng đã khiến clip kia thêm ly kỳ.
Lượng người đưa comment bức xúc ngày càng tăng, nhất là khi có nhiều ý kiến 'ném đá' mang tính 'định hướng' rằng, đó là hành vi cố ý của nhóm thanh niên khiêng kiệu.
Hình ảnh kiệu quay 'húc' vỡ kính xe ôtô được đăng tải trong clip
Tại phường Xuân Đỉnh chiều 28/2 (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), nhiều người dân địa phương ngơ ngác về sự việc được cho xảy ra tại lễ hội của quê mình.
'Chúng tôi ở đây mà sao không biết', nhiều người thốt lên. Làng lên phố, những tên xóm, tên làng xưa cũ của xã Xuân Đỉnh, quê hương của hồng xiêm và những món bánh dẻo, bánh nướng, mứt… nổi tiếng góp mặt trong Tết phá cỗ đón trăng của trẻ em, nay đã mang tên mới, gắn biển, treo số. Xã Xuân Đỉnh cũ cũng được chia địa giới, tách ra thành 2 phường: Xuân Đỉnh và Xuân Tảo. Trong đó, lễ hội truyền thống của Xuân Đỉnh chính là lễ hội Đình Giàn.
Ông Nguyễn Đức H. (cán bộ nghỉ hưu) cho hay: Đến bây giờ mới là mồng 10 tháng Giêng, Đình Giàn chưa tổ chức lễ hội vì chưa đến ngày. Ngày lễ hội của đình Giàn rơi vào mồng 10 tháng Hai âm lịch hàng năm, tức là còn 1 tháng nữa.
Hình ảnh uy nghiêm của ngôi Đình Gián ngàn năm tuổi
'Tôi sống ở đây nhưng chưa nghe thấy chuyện này bao giờ. Thứ hai, với những nghi thức được thể hiện trong lễ hội rất trang nghiêm, trai tráng khiêng kiệu được lựa chọn rất kỹ lưỡng, không chỉ là trai tân, to khỏe mà còn phải có đạo đức, trí tuệ.
Cho nên, nói người khiêng kiệu cố ý mượn nghi thức để phá hoại tài sản người khác là rất vô lý. Đấy là chưa nói, có thách tiền cũng chẳng ai dám 'dỡn mặt' thánh để làm điều sai trái'.
Một bác bán nước đối diện cổng trường THPT Xuân Đỉnh, nơi được cho rằng có chiếc xe ôtô bị đoàn rước kiệu 'nện' tay kiệu phá vỡ xe, khẳng định: Từ đầu năm Ất Mùi đến nay chưa có sự việc nào xảy ra như thế. Cách đây 1 - 2 hôm, có lễ hội đầu năm nhưng của phường Xuân Tảo, lễ hội Đình Sóc của làng này, đều không xảy ra bất kỳ sự việc đáng tiếc nào'.
Thêm lời khẳng định, anh N.V.T, người may mắn được tham gia rước kiệu lễ hội Đình Gián vào năm 2008, cho biết: 'Các cụ trong Ban quản lý di tích lựa chọn thanh niên, trai tráng khiêng kiệu rất kỹ. Người khiêng kiệu phải là trai tân chưa vợ, hiền lành, đạo đức chứ không chơi bời, đầu xanh đầu đỏ'.
Bia đá ghi lại lịch sử ngôi đình
Về hiện tượng kiệu quay, T. khẳng định: 'Bọn em thanh niên trai tráng, đang sức bẻ sừng trâu, mỗi đứa cao 1m70 trở lên, nặng 60 - 70kg, thế mà cũng không trụ được lúc kiệu quay.
Có lúc kiệu lao vun vút, người khiêng phải cố giữ vai kiệu mà chạy theo; có lúc kiệu xoay tròn, bấm cả 2 bàn chân xuống đất cũng không đứng yên được, rất khó giải thích nhưng là điều có thực'.
Chuyện cũ, đừng thêm thắt!
Câu chuyện về kiệu quay lao vào chiếc ôtô ven đường làm vỡ kính xe được đại diện chính quyền xác nhận nhưng sự việc đó xảy ra cách đây 2 năm. Còn trong năm 2015, Xuân Đỉnh vẫn chưa diễn ra lễ hội Đình Giàn.
Phó chủ tịch phường Xuân Đỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thạch, cho biết clip đó được khách đi xem hội ghi lại trong lễ hội của làng nhưng vào năm 2011 và 2012 chứ không phải năm nay như báo chí đã đưa tin.
'Một clip ghi lại hình ảnh kiệu quay va vào chiếc xe Toyota Zace khiến thủng kính xe, là lễ rước năm 2011 tại khu đô thị Ciputra và xe Kia Morning bị đâm vỡ kính tại cổng trường THPT Xuân Đỉnh năm 2012.
'Sự việc đó diễn ra vài năm trước, kiệu xô vào xe làm vỡ cửa kính là điều đáng tiếc chứ không phải cố ý. Để xảy ra sự cố đó, chúng tôi cũng rất buồn.
Vì vậy, sau khi xảy ra sự cố này, lãnh đạo quận và phường đã có ý kiến chỉ đạo đền bù cho người dân nhưng đa phần họ không nhận.
Sau vụ việc đó, chúng tôi đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, không ảnh hưởng đến tài sản người dân. Và 2 năm nay không xảy ra chuyện đó nữa', ông Thạch khẳng định.
Ông Nguyễn Công Nhã (78 tuổi), Trưởng ban quản lý di tích Đình Giàn (Xuân Đỉnh), cho biết từ xưa đến nay, hội chính Đình Giàn 5 năm rước kiệu 1 lần vào 10/2 âm lịch) và hội lệ (rước nước ngày mùng 9/2 âm lịch).
Sự việc mà video phản ánh là ở hội rước tre nước năm 2012 (rước nước từ giếng cổ về đình làng) chứ không phải năm nay.
Rước kiệu là một trong những nghi thức linh thiêng không thể thiếu ở các lễ hội đình, chùa ở Việt Nam
'Kiệu quay phá cửa kính ôtô năm 2011, 2012 chúng tôi đánh giá đó không phải cố tình. Trước đó, Ban tổ chức rất lo lắng thực hiện lễ hội truyền thống làm sao cho an toàn cho người dân.
Bản thân người rước kiệu không hề có thù oán với chủ nhân chiếc xe đó, không chủ đích nhắm vào ai trước đó và không có tập duyệt trước đó. Vì vậy, không thể nói là cố tình gây thiệt hại tài sản của người dân', ông Nhã khẳng định.
Ông Nhã cũng cho biết, năm 2012, sau khi sự việc xảy ra, Ban tổ chức đã đến nhà chủ nhân chiếc xe bị vỡ cửa kính hậu để làm việc và đền bù. Tuy nhiên, gia đình cô giáo đó vui vẻ nói rằng, số tiền đó xin công đức nhà chùa.
Trong clip, nhiều người dân tin vào tâm linh nên liên tục vái vì sợ 'thánh phạt' khi kiệu húc vỡ cửa kính ôtô.
Ông cũng cho biết thêm, sau đó Ban tổ chức đã có giải pháp ngay để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đó là gia cố barie chắn 2 đầu để kiệu đi đúng lộ trình, không cho kiệu chạy ra đường cao tốc và chặn các phương tiện giao thông vào khu vực rước kiệu.