THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:35

Trắng trợn làm trái quy định, Cục Trồng trọt bị “kiểm điểm”!

 

 Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón. Theo kết quả thanh tra, 11 tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định được chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón sẽ bị đình chỉ, xử phạt vì có dấu hiệu sai phạm hoặc liên quan trong việc cấp phép, kiểm tra và có dấu hiệu giả mạo giấy tờ của cơ quan Nhà nước.
Phân bón giả làm tổn hại 2 tỷ USD/năm và khiến bê tông hóa đồng ruộng là... có sự tiếp tay của cơ quan chức năng?
Đáng chú ý nhất là việc Cục Trồng trọt đã dễ dàng chỉ định cho một doanh nghiệp khử trùng chưa có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực phân bón đi cấp chứng nhận chất lượng phân bón. Công ty này chưa có phòng thử nghiệm theo quy định nhưng trong hồ sơ lưu tại Cục Trồng trọt lại có giấy xác nhận chứng nhận năng lực cơ quan Nhà nước có thẩm quyền .
Cụ thể, ngày 29/11/2010, trong Quyết định số 515, Cục Trồng trọt đã chỉ định Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng FCC(FCC) cùng 10 tổ chức, đơn vị khác được chứng nhận chất lượng phân bón của một số đơn vị kinh doanh, sản xuất phân bón.
Tuy nhiên, sau kiểm tra, Thanh tra Bộ phát hiện một số sai phạm như: trong hồ sơ chỉ định tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón được lưu trữ tại Cục Trồng trọt, không có tài liệu nào chứng minh kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón của công ty FCC. Đặc biệt, tại thời điểm được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận, FCC không có đăng lý lĩnh vực hoạt động chứng nhận. Đây là hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước theo Thông tư 09/2009/TT-BKHCN.
Cơ quan thanh tra khẳng định, quyết định của Cục Trồng trọt chỉ định FCC là vi phạm quy định về quản lý Nhà nước tại Thông tư 32 của Bộ NN&PTNT. Do đó, các thành viên đoàn đánh giá và công chức chuyên môn thẩm tra hồ sơ, trình ký quyết định chỉ định phải chịu trách nhiệm đối với vi phạm này.
Về phòng thử nghiệm, theo quy định thì các đơn vị được chỉ định phải được Văn phòng công nhận chất lượng (BOA) công nhận năng lực phòng thử nghiệm về các thành phần tiêu chuẩn đối với phân bón. Tại thời điểm Cục Trồng trọt chỉ định tổ chức chứng nhận chất lượng phòng thử nghiệm của công ty FCC, công ty này không được chỉ định thử nghiệm đối với lĩnh vực phân bón. Tuy nhiên, trong hồ sơ chỉ định lưu trữ tại Cục Trồng trọt lại thể hiện đã được BOA công nhận năng lực thực hiện phân tích các chỉ tiêu trên.
Bên cạnh đó, tại thời điểm Cục Trồng trọt chỉ định phòng thử nghiệm (năm 2010), Công ty FCC không có giấy đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm (đến tháng 1/2014 công ty này mới được cấp giấy trên). Như vậy, Cục Trồng trọt đã vi phạm quy định khi công ty FCC chưa đủ điều kiện năng lực nhưng đã ban hành Quyết định.
Về hoạt động giám sát các đơn vị chứng nhận chất lượng phân bón, Thanh tra Bộ khẳng định: tháng 11/2010 Cục Trồng trọt ban hành quyết định cho phép các DN, đơn vị chứng nhận chất lượng phân bón. Nhưng đến 8/1/2014 mới thực hiện đánh giá giám sát các cơ quan này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, với phòng thử nghiệm của FCC, sau khi Cục Trồng trọt cho phép thử nghiệm nhưng đến tháng 10/2015 cơ quan này vẫn không giám sát.
Do phát hiện các vi phạm và gian lận, cơ quan Thanh tra kiến nghị Bộ NN&PTNT hủy các quyết định chỉ định DN, đơn vị tổ chức chứng nhận phân bón và Quyết định chỉ định phòng thử nghiệm phân bón đối với 11 đơn vị được thanh tra.
Thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định. Tổ chức kiểm điểm cán bộ, các cá nhân, tổ chức của Cục Trồng trọt vì có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xác định hành vi, mức độ vi phạm của 11 tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón đã được Cục Trồng trọt cấp theo quy định pháp luật.
Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: theo Nghị định 202/NĐ-CP về quản lý Nhà nước về Phân bón, Bộ NN&PTNT chỉ quản lý phân hữu cơ, tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 5 -8% trên toàn thị trường phân bón, còn hơn 90% do Bộ Công Thương phụ trách.
Trước đó, tháng 10/2015 tại Hội nghị toàn quốc phòng, chống phân bón giả được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý và hiệp hội trong ngành phân bón đều cho biết: chưa bao giờ phân bón được làm giả và được đưa ra thị trường dễ dàng như hiện nay. Nhiều cơ sở sản xuất phân bón hiện nay lẽ ra phải dùng bột mì để làm chất kết dính phân bón thì đã dùng đất sét, bột đá. Người nông dân khi mua những sản phẩm này về bón cho lúa không những làm cho vụ lúa ấy mất mùa mà nguy hiểm hơn, đồng ruộng sẽ bị bê tông hóa. Theo các đại biểu, vấn nạn phân bón giả đã khiến Việt Nam thiệt hại 2 tỉ USD mỗi năm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh