THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:38

Trang thơ

 

Nguyễn Việt Chiến 

Mẹ - Tổ quốc 

Nơi họ ngã

rừng

đã xanh trở lại

Lối qua trường

tiếng trẻ

mọc sau mưa

Những

Dốc Miếu

Cồn Tiên

mờ khói đạn

chưa ngủ yên

trong mắt mẹ bao giờ

Không có lẽ

Mẹ chỉ là ký ức

một tượng đài

trầm mặc

ở trong thơ

Khi bất tử

Mẹ

hóa thành Tổ quốc

đất là nơi

máu thắm

đến trổ cờ

Đất nhọc nhằn

những hạt giống tự do

nằm thao thức

giữa

bom mìn

cạm bẫy

Chiến tranh qua rồi

các con không trở lại

mắt mẹ buồn

dằng dặc

dưới đêm sương

những người mẹ

bao năm còn trông ngóng

nắm xương con

lưu lạc

giữa âm thầm

những

đường 9

Khe Sanh

còn khét lửa

mùa mưa qua

đâu chỗ các con nằm

Mẹ -Tổ quốc

chưa bao giờ yên ngủ

Mẹ -Tổ quốc

vẫn từng ngày ghi nhớ

những người con

trong đất sẽ trở về

sẽ trở về

trong ký ức

rồi đi…

***

 

 

Phạm Mai 

Các anh chưa về nghĩa trang


Trường Sa ơi, đường về Nghĩa trang

Nghe lá xưa rơi chưa kịp úa vàng

Những người lính ra đi từ dạo đó

Vẫn nằm yên dưới hàng cây luống cỏ

Biết khi nào về lại nghĩa trang

Qua nắng mưa thương xót vô vàn

Đất thầm lặng nghe rướm “màu hoa đỏ”

Các anh ở đâu giữa trời đất mưa gió

Nơi rừng sâu hay giới tuyến địa đầu

Trên đồi cao hay thăm thẳm suối sâu

Thiếu các anh nghĩa trang chiều hoang vắng

Đốt nén nhang dưới tượng đài thầm lặng

Các anh về dù chỉ nhặt chút hình hài

Xin nguyện cầu siêu thoát cõi bồng lai.

***

TẤN THÀNH 

Linh hồn đỏ 

 

Yêu làm sao những con người bám biển

Cả cuộc đời gắn bó với Hoàng Sa

Hết lớp ông cha đến ngàn muôn con cháu

Nối bước oai hùng từ thuở hùng binh

Hải đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải

Mốc chủ quyền mãi mãi Hoàng Sa ơi

Và có người ra đi không trở lại

Vì Tổ quốc mãi mãi là trên hết

Dẫu mộ gió nhưng linh hồn rất đỏ

Từng ngọn cây, bụi cỏ nhớ anh hùng

Sóng vẫn vỗ, ngọt ngào yêu đến lạ

Biển vẫn ngàn đời hát bản tình ca

Có người ra đi không trở lại quê nhà

Cho Tổ quốc ca bài ca bất tử

Để lớp cha ông đến muôn đời con cháu

Không phút giây nào xao lãng Hoàng Sa ơi!

***

Bùi Đắc Ngôn 

Hoài niệm

 

Ngọn gió nào vịn vào vết nứt cổng làng

Để lang thang cánh diều cuối bãi

Em kiêu sa cho anh mê mải

Đẽo thời gian khắc khoải những đêm dài

                                *

Con đê làng trĩu nặng bờ vai

Anh muốn đuổi theo em gánh đỡ

Lối xưa chuyện làng muôn thưở

Em như trong tay nhưng chưa với được bao giờ

                                *

Rặng tre làng kẽo kẹt tuổi thơ

Cứ khép mở lối mòn len lỏi

Ta góp gom lời bà thành huyền thoại

Ngân nga xanh điệp khúc giữa cây đời

                                *

Chẳng có gì chỉ huyễn hoặc thôi

Mà tất bật chưa về bến cũ

Năm tháng miệt mài viễn xưa

Em là quê thảng thốt gọi anh về...

***

LÊ VĂN VỴ 

Hoa sim Đồng Lộc


Chắt chiu từ máu lửa

sim nở hoa bên những hố bom.

sim xanh biếc Trọ Voi

sim mười tám, đôi mươi

 ru giấc ngàn thu anh hùng liệt nữ

Có phải mười trinh nữ hóa sim?

hay sim hóa hồn trinh nữ

mà lá tươi xanh đời hoa bất tử

mà hương thơm, thơm đến nao lòng

Khẽ khàng nào cánh mòng bướm ong

ngàn thu ru sim Đồng Lộc

hồn mười cô, hồn quê hương đất nước

 như cỏ hồi sinh, như cây biếc xanh chồi

Ngày tiễn đưa nước mắt mẹ rơi

mọc lên đồi hoa mua tím biếc

ngày tiễn đưa nước mắt em rơi

mọc lên hoa sim bất diệt

Hoa sim, ơi hoa sim, năm cánh nõn nà hé nở

Cúc Tần Nhỏ Hường Hà  Hợi Rạng  Xuân Xanh

 lặng lẽ  bước ra

Theo bước chân người

Đất ngát hương hoa

***

Hồng Thanh Quang 

Cỏ xuân

 

Có ngày mẹ tìm thấy anh,

Gạt tro quên lãng phủ quanh nấm mồ.

Rừng đông buốt khói nhang mờ,

Riêng dòng lệ tự bao giờ nóng nguyên...

 Anh thương mẹ quá đau phiền,

Anh thương tay mẹ cóng trên thân mình.

Nằm sâu dưới mộ sao đành,

Âm thầm anh nhú lên thành cỏ xuân...

NHIỀU TÁC GIẢ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh