Quảng Nam: Trăn trở tìm giống gốc khoai lang Trà Đóa
- Huyệt vị
- 17:33 - 28/04/2017
“Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đóa có sông Thu Bồn”, từ xưa, nhiều gia đình nông dân xã Bình Đào đã sống nhờ cây khoai. Khoai Bình Đào nổi tiếng trong cả nước, đặc biệt là khoai lang làng Trà Đóa với các giống Bông Giang, Vồ Hường, nhất là khoai Vồ Điệp. Lịch sử ở xã Bình Đào còn ghi lại câu chuyện, tháng 8/1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm trong chuyến đến Bình Đào, khi ra về, bà con làng biếu ông một củ khoai Vồ Điệp. Khoai lang Trà Đóa hồi ấy nổi tiếng tới kinh thành Huế, vang khắp cả nước.
Người nông dân vùng Bình Đào chỉ sản xuất xen vụ các loại khoai Đà Nẵng, khoai đỏ vì thời gian sinh trưởng ngắn hơn.ảnh:H.T
Giống khoai Vồ Điệp từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 4-5 tháng, củ khoai đạt cân nặng từ 2-3kg/củ, thời gian sau do giảm thời gian sản xuất, nhưng củ khoai vẫn đạt 1kg/củ, ruột khoai màu vàng có mùi thơm đặc biệt, lại được trồng trên đất sét pha, phơi lâu vẫn không mốc. Thế nhưng, sau này vì kinh tế, người dân dần bỏ giống khoai Vồ Điệp, thay bằng giống Trùi Sa, Đà Nẵng để đạt năng suất cao hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn.
Khoai lang được phơi khô để giữ lâu.ảnh:H.T
Ông Nguyễn Tấn Thu-Chủ tịch UBND xã Bình Đào, cho biết: “Làng Trà Đóa đến nay không ai còn làm loại khoai này nữa, họ chuyển sang làm lúa nước, riêng các vùng thôn Vân Tiên, vẫn còn một số ít hộ làm khoai nhưng chỉ xen vụ, dùng các giống khoai khác như Trùi Sa, Đà Nẵng,...”
Ông Lâm Văn Ba, thôn Vân Tiên (xã Bình Đào) một người gắn bó với khoai Vồ Điệp, cũng không giữ được nghề. Ông kể rằng, làm khoai Vồ Điệp rất công phu, thời gian dài, đất được vén cao hơn 80cm, rộng 1m, khoảng cách giữa 2 hàng giâm dây lang là khoảng 40cm, từ lúc làm đến thu hoạch đến 4 tháng. Các công đoạn đều thực hiện thủ công, trong khi đó giá khoai lang chỉ còn 4.000 đồng/kg, khiến nông dân không còn mặn mà. Cả thôn Vân Tiên có 117 hộ, nhưng không còn ai làm loại khoai Vồ Điệp, các giống khoai khác chủ yếu xen canh, ngắn ngày. Hiện ông Ba đang trồng 1,5 sào khoai lang các loại, bình quân thu hoạch 4 tạ/sào, tính ra chỉ đạt 1,6 triệu-2 triệu/vụ, mỗi vụ kéo dài 3 tháng. Riêng, vùng Trà Đóa, cái gốc của khoai làng Trà Đóa, hiện tại trở thành vùng sản xuất lúa chủ động nước của xã.
Thời gian sau này, năm 2010, Phòng NN&PTNN huyện Thăng Bình tiếp tục xây dựng đề tài khoa học cấp huyện phục hồi xây dựng làng nghề Khoai lang Trà Đóa. Ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng phòng NN&PTNN huyện, cho biết: “Theo quy hoạch sẽ xây dựng khoảng 50ha sản xuất thương hiệu khoai lang Trà Đóa ngay tại làng Trà Đóa, nơi được xem là xuất phát làng nghề, nhưng khi thực hiện lại thì không có kinh phí cũng như nguồn giống khoai Vồ Điệp không được nông dân lưu giữ nên đề án đã dừng lại”. Theo ông, muốn khôi phục phải nhờ sự hỗ trợ các nhà nghiên cứu, giáo sư với hy vọng phục hồi giống khoai Vồ Điệp, cùng sự hỗ trợ nông dân canh tác sản xuất thì mới mong “cứu” giống khoai nổi tiếng này.