Quảng Nam: Nhiều nông dân lao đao vì tiêu chết
- Dược liệu
- 21:45 - 08/04/2017
Bà Nguyễn Thị Vân, thôn Trung Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là hộ có gần 600 gốc tiêu thì đến nay gần hết trong số tiêu này đã bị chết. “Mọi năm, thời điểm này chúng tôi chuẩn bị được thu hoạch tiêu, nhưng năm nay thì trắng tay rồi. Bao nhiêu công chăm sóc, giờ thì tiêu tan hết”, bà Vân than thở.
Nhiều hộ trồng tiêu rơi vào cảnh nợ nần vì tiêu chết
Được biết, để trồng được số gốc tiêu này, gia đình bà Vân đã đầu tư hơn 150 triệu đồng, chủ yếu được vay từ ngân hàng. Tiêu chết, đồng nghĩa với việc số tiền nợ ngân hàng để đầu tư cho việc trồng tiêu không biết lấy gì để trả nợ.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Tám, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cây tiêu là cây trồng mưu sinh của cả gia đình bấy lâu nay, tiêu chết, nguồn lực chính nuôi sống cả gia đình không biết trông chờ vào đâu. “Từ khi trồng cây tiêu đến kỳ thu hoạch phải mất 3 năm. Vậy mà trồng cây đến ngày hái quả ngọt thì...” ông Tám rầu rĩ.
Cũng như nhiều hộ dân trồng tiêu ở xã Duy Phú, gia đình ông Tám có hơn 300 gốc tiêu nhưng đến nay đều bị chết gần hết. Theo ông Tám, nếu muốn trồng lại cũng phải mất 4 năm nữa tiêu mới có thể cho thu hoạch, trong khi bây giờ vốn không có, nợ nần ngân hàng cũng chưa thể trả được, bài toán mưu sinh càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với những hộ nông dân trồng tiêu như ông.
Nhiều gốc tiêu bị vàng lá rồi chết khô
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: Cả xã có gần 70 hộ trồng tiêu với số lượng khoảng 15.000 gốc, tuy nhiên đến nay có đến gần 10.000 gốc đã chết vì nhiễm bệnh, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong đó, hộ thiệt hại ít nhất cũng khoảng 200 gốc tiêu, nhiều nhất là trên 600 gốc. Lâu nay, nhờ trồng tiêu, nhiều gia đình tại xã Duy Phú đã vươn lên thoát nghèo, thế nhưng tiêu chết hàng loạt lại đang khiến bà con nơi đây rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.
“UBND xã đã báo cáo cho ngành chức năng của huyện, của tỉnh kiểm tra, tổ chức các buổi tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân để ngăn chặn số tiêu còn lại không lây lan ra diện rộng. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ nông dân tái sản xuất như đầu tư về nguồn giống, kinh phí…để người dân ổn định cuộc sống trở lại”, ông Tiến cho biết.
Theo các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam, hiện tượng tiêu trồng của bà con nông dân chết hàng loạt như thời gian vừa qua là do thời tiết thay đổi, cộng với nấm gây hại khiến cho dịch bệnh diễn tiến nhanh từ vàng lá, khô và chết chỉ sau 2-3 ngày, bà con khó có thể xử lý kịp.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi xác định được nguyên nhân dẫn đến tiêu chết, địa phương đã cùng với đơn vị chức năng hướng dẫn các hộ trồng tiêu phun thuốc xử lý bệnh, thu gom số tiêu chết đem đốt, sau đó vệ sinh vườn để tránh bệnh lây lan trên diện rộng, đồng thời làm việc với các xã có người trồng tiêu bị chết để có phương án hỗ trợ cụ thể, giúp người dân có điều kiện tái sản xuất trở lại.