THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:16

Tràn lan nông sản không rõ xuất xứ

 

Nhiều loại cam, quýt siêu rẻ chỉ 10 - 15.000 đồng/kg được bày bán tràn lan tại các chợ dân sinh, các xe đẩy rong trên các tuyến phố Hà Nội. Với giá bán siêu rẻ, nhiều người mua nhưng chất lượng nguồn gốc của các sản phẩm này từ đâu, có đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm hay không thì ngay cả người bán cũng không biết.

Người bán giới thiệu những mặt hàng đều có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt: Cam Vinh, quýt Hà Giang, quýt Thái Lan, nho Ninh Thuận, thậm chí là nho Mỹ …. nhưng thực tế nguồn gốc của những sản phẩm này từ đâu và chất lượng có đảm bảo hay không thì không ai có thể trả lời được. Giá mỗi kg cam Vinh được bán tại Nghệ An có giá lên đến 35 – 40.000 đồng/kg, vì thế chắc chắn cam Vinh bán tại Hà Nội không thể có giá 15.000 đồng/kg. Còn giống cam Vinh trồng tại các tỉnh miền Bắc như: Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang bán tận vườn cũng không có giá 10.000 đồng/kg. Đối với quả quýt Hà Giang bán tại vườn cũng không có giá siêu rẻ 10.000 đồng/kg.

 

Rau quả bán tại các chợ không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

Theo chị Nguyễn Thùy Dung (Tây Hồ, Hà Nội), các loại hoa quả bày bán tại các chợ nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng chưa được kiểm soát bán với giá rẻ. Còn các loại hoa quả bán trong các siêu thị, cửa hàng giá khá cao và chất lượng cũng không lấy gì làm đảm bảo. “Tôi đã từng vào một vựa kinh doanh hoa quả rất lớn tại Quận Thanh Xuân. Quả sầu riêng vừa bốc từ xe ô  tô xuống đã có 3 người ngồi dán nhãn “sầu riêng sạch” sau đó đóng thùng gửi đi cho các cửa hàng kinh doanh hoa quả sạch. Khi tôi thắc mắc, chủ vựa trái cây chỉ cười, bảo: “Khách yêu cầu mua sầu riêng sạch nên phải có tem sầu riêng sạch để người tiêu dùng yên tâm. Chứ thực tế mình có trồng ra được đâu mà biết có sạch hay không”. Sau lần đấy thì tôi mất niềm tin vào những cửa hàng kinh doanh hoa quả sạch”, chị Dung chia sẻ.

Việc các chủ kinh doanh mua tem về dán nhãn và nâng đời cho sản phẩm không hiếm. Thậm chí, tại các chợ đầu mối hoa quả khách hàng muốn tìm mua tem sản phẩm xuất xứ nước nào cũng có. Chỉ cần dán tem nâng đời cho sản phẩm là có thể nâng cao giá trị hàng hóa, đánh lừa người tiêu dùng.

Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT từng khẳng định: Hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là an toàn. Theo số liệu thống kê Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu rau quả các loại đạt 655 triệu USD, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy trung bình mỗi tháng người Việt chi gần 110 triệu USD để mua rau quả ngoại. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 118 triệu USD, tăng 34,7% và mặt hàng quả đạt 507 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan, chiếm tới 57,5% thị phần; tiếp theo là thị trường Trung Quốc, chiếm 15,9%.

Không chỉ có hoa quả mà các nông sản khác như rau, củ, thịt gia súc, gia cầm cũng được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2016, tổng số chợ cả nước là 8.513 chợ, trong đó có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%); trong đó nhiều nhất là các tỉnh: Thanh Hóa 11 chợ, Quảng Bình 11 chợ, Hà Nội 7 chợ, Đồng Tháp 6 chợ, Hưng Yên 4 chợ, TP Hồ Chí Minh 3 chợ... chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, các mặt hàng được bày bán tại các chợ đầu mối rất đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả tươi, gia cầm.... nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ yếu các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc từ các trang trại. Việc mua bán còn mang tính chất tự phát, không có hợp đồng mua bán và chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tình trạng hoạt động tự phát của các điểm tập kết hàng hóa xung quanh khu vực chợ đầu mối ngày càng phức tạp. Việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ để bán, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc trong trường hợp cần thiết.

Theo các chuyên gia, việc không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ dẫn đến thách thức là các chợ đầu mối có thể trở thành kênh tiêu thụ sản xuất nông nghiệp có chứa thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học không đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi của cả người sản xuất và người tiêu dùng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh